Thiết bị y tế tại nhà cho trẻ sinh non sau khi rời phòng chăm sóc đặc biệt

Phần lớn các bé sau khi rời khỏi phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU) về nhà không cần đến những thiết bị y tế đặc biệt như máy kiểm tra sức khỏe hoặc ống dẫn thức ăn. Tuy nhiên, dù đủ sức khỏe để ra viện nhưng vẫn cần đến những thiết bị y tế tại nhà cho trẻ sinh non để giúp bé có thể uống sữa và thở được.thiết bị y tế tại nhà cho trẻ sinh nonNếu các mẹ cần dùng đến những thiết bị y tế tại nhà cho trẻ, bác sĩ xuất viện cho bé sẽ giúp các mẹ đặt mua chúng trước khi để bé ra viện. Nếu có thể, các mẹ nên ở cùng phòng với bé trước khi ra viện.

Ở cùng phòng với bé có nghĩa là ở qua đêm trong phòng điều trị cho bé để các mẹ học cách sử dụng những thiết bị này và thực hành những kỹ năng cần thiết để chăm sóc tốt hơn cho bé.

Các mẹ nên trao đổi với bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc gì về thiết bị y tế tại nhà cho trẻ. Dưới đây là 3 loại thiết bị nhỏ gọn cần thiết cho trẻ đã từng điều trị tại NICU:

Màn hình y tế (máy đo nhịp tim, nhịp thở)

Ngưng thở là sự gián đoạn hơi thở của trẻ trong thời gian ngắn. Nhiều trẻ sinh non hoặc trẻ phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt NICU có khoảng thời gian bị ngưng thở. Nếu không thoát khỏi tình trạng này trước khi ra viện, các bé cần phải có máy kiểm tra nhịp tim nhịp thở ở nhà.

Màn hình máy sẽ được kết nối với bé bằng miếng dán mềm dán xung quanh ngực của bé. Các mẹ sử dụng máy kiểm tra khi bé ngủ hoặc khi không để mắt được đến bé. Máy kiểm tra này sẽ phát âm thanh như chuông cảnh báo nếu như bé bị ngưng thở hoặc nhịp tim quá nhanh hay quá chậm. Trước khi các mẹ ra viện, bác sĩ của bé sẽ nói cho các mẹ những gì cần làm khi tín hiệu báo động kêu và khi nào cần gọi sự hỗ trợ

Các mẹ không nên quá lo sợ khi tín hiệu báo động kêu. Nó có thể cho tín hiệu sai. Tình trạng này xảy ra khi miếng dán không được đặt đúng vị trí hoặc nếu nó bị bung ra khi trẻ cọ quậy. Đôi khi là do trẻ bị ngưng thở tạm thời và cần được kích động để tỉnh dậy. Các mẹ nên học cách xác định tín hiệu sai này và điều cần làm để tránh gặp phải tình huống đó.

Bác sĩ sẽ nói cho các mẹ biết khi nào đủ an toàn để không cần sử dụng máy kiểm tra này nữa.

Ống cho ăn và ống tiêm

Khi các bé trở về nhà, một số bé vẫn phải cho ăn bằng ống. Việc cho ăn bằng ống là cách trẻ uống sữa mẹ hoặc sữa công thức thông qua một cái ống đặt qua mũi hoặc miệng vào dạ dày hay đường ruột. Việc cho bé ăn bằng ống giúp bé nhận đủ dinh dưỡng khi trẻ không thể bú mẹ hoặc bú bình bằng miệng

Đối với việc cho ăn bằng ống, các mẹ cần có ống dẫn sữa và ống tiêm. Ống tiêm là một công cụ có tác dụng đưa chất lỏng (sữa mẹ hoặc sữa công thức) vào ống dẫn sữa. Nếu các bé gặp phải rắc rối về việc ăn uống trong thời gian dài, các bé cần được cho ăn bằng phương pháp mở thông dạ dày để đưa dinh dưỡng vào dạ dày của bé. Phương pháp mở thông dạ dày này cần phải sử dụng ống dẫn thức ăn nhỏ bằng nhựa.

Ống thở oxy

Trẻ thường tự thở được trước khi ra viện. Nhưng một số bé vẫn cần sử dụng thêm bình thở oxy tại nhà trong một khoảng thời gian nào đó

Nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ phải thở bằng bình oxy tại nhà đó là bị rối loạn phổi hay còn gọi là chứng loạn sản phế quản (BPD). BPD gây tổn thương và hình thành sẹo phổi. Những trẻ có nguy cơ bị BPD thường bao gồm những trẻ bị suy hô hấp nặng (RDS) và cần điều trị lâu dài bằng những thiết bị oxy. Tình trạng phổi như vậy thường được chữa lành sau khoảng 2 năm đầu đời.

Đôi khi BPD có thể kéo dài và hình thành bệnh lý giống như hen suyễn. Nếu trẻ nhỏ cần oxy, các mẹ cần có bình oxy và ống thông mũi. Ống thông mũi là ống nhựa mềm có thể vòng qua đầu và để thông vào mũi bé. Oxy từ bình oxy sẽ truyền qua ống thông mũi để giúp bé thở đều. Những y tá chăm sóc sức khỏe tại nhà có thể ghé thăm theo lịch trình thường xuyên để kiểm tra tình trạng của bé và giải đáp những thắc mắc của các mẹ.

Oxy rất dễ bắt lửa nên các mẹ phải sử dụng bình oxy một cách thận trọng và tuân theo hướng dẫn sử dụng. Không nên để bình oxy trong phòng đang có việc dùng đến lửa, tia lửa hay bếp ga. Tuyệt đối không để cho bất cứ ai hút thuốc ở gần bình oxy các mẹ nhé.

Khi bác sĩ cho rằng bé có dấu hiệu hít thở tốt hơn thì lượng oxy dùng cho bé nên giảm dần và từ từ ngưng việc sử dụng oxy cho bé lại. Phần lớn các bé cần thở oxy ở nhà ít hơn thời gian 6 tháng.

(Dịch từ bài viết “Medical equipment at home after the NICU” – website Marchofdimes – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment