Trò chuyện với bé từ 1 đến 3 tháng tuổi

Út Em chào các mẹ.

Đây là một giai đoạn tràn đầy sự hứng khởi đối với bất cứ ai làm cha làm mẹ khi con yêu của chúng ta bắt đầu hình thành sự giao tiếp.

Cả bố mẹ và bé con sẽ được tận hưởng “những cuộc đối thoại” hai chiều – trao đi những nụ cười, những tiếng ô, a siêu đáng yêu và ngộ nghĩnh.

Chính ở giai đoạn này, tính cách của em cũng bắt đầu bộc lộ bởi vì giờ đây em đã trở thành một thành viên năng động và hoạt bát hơn trong tổ ấm của mình.

trò chuyện với bé từ 1 đến 3 tháng tuổi

Trước khi đi vào nội dung chính, chúng ta sẽ thực hiện khảo sát nhỏ nhé:

Bố bé có hay trò chuyện với bé không?

Bé từ 1 đến 3 tháng tuổi trò chuyện như thế nào?

Về cơ bản, khóc vẫn là phương tiện giao tiếp của các em trong nhiều tháng. Chuyện em khóc giúp bố mẹ biết em đang cần gì, ngoài ra em cũng có thể khóc khi bị những hình ảnh và âm thanh làm cho khó chịu.

Nhưng cũng có khi em khóc chẳng vì lý do gì rõ ràng. Miễn là không phải do em ốm hay đau, thì mẹ cũng đừng quá lo lắng khi thấy em khóc mà mình chẳng biết làm gì để xoa dịu em.

Ở giai đoạn này, bé con sẽ phản ứng lại những âm thanh trong giọng nói của mẹ. Em trở nên yên ắng, mỉm cười hoặc hào hứng, thậm chí khua chân khua tay.

Bé con ở tuổi này bắt đầu cười thường xuyên hơn với bố mẹ và có thể cần thêm một khoảng thời gian nào đó để cảm thấy trở nên thoải mái với những người ít thân quen hơn như ông bà của em.

Em có thể sẽ không mỉm cười hay không tỏ ra thân thiện đối với những ai xa lạ.

Ở giai đoạn này, em bắt đầu phát hiện ra khả năng tạo nên các thanh âm và mẹ em sẽ sớm có một “cái máy” thủ thỉ, ríu rít suốt cả ngày!

Một số bé bắt đầu với những nguyên âm (như “ah-ah” hoặc “ooh-ooh”) khi được 2 tháng tuổi.

Em bé sẽ nói chuyện với mẹ bằng rất nhiều các âm thanh đa dạng. Bé sẽ cười, đợi mẹ phản ứng, rồi cười lại với mẹ. Bé thậm chí có thể bắt chước thần thái biểu cảm trên khuôn mặt của mẹ.

Mẹ nên trò chuyện với bé từ 1 tới 3 tháng tuổi như thế nào?

Em bé rất thích nghe tiếng mẹ nên mẹ hãy nói chuyện, bi bô, hát và thủ thỉ với em suốt những tháng đầu tiên này.

Mẹ nhớ hãy thật nhiệt tình phản hồi lại những âm thanh và nụ cười của em. Hãy nói cho em biết em đang nhìn thấy gì, đang làm gì hoặc xem mẹ đang làm gì. Hãy gọi tên những vật dụng thân quen khi mẹ chạm vào hoặc mang chúng đến cho em.

Hãy tận dụng những thời điểm đặc biệt khi bé đang tự nói chuyện để bắt đầu cuộc hội thoại.

Nếu mẹ nghe thấy tiếng bé, hãy nhắc lại và chờ bé tạo nên những âm thanh khác. Đó là cách mẹ dạy cho em những bài học quý giá về giọng nói, nhịp độ và thái độ quay sang người đối diện trong khi đang trò chuyện.

Mẹ đang gửi đến một thông điệp ý nghĩa rằng em rất quan trọng và xứng đáng được lắng nghe. Mẹ đừng cắt ngang hoặc nhìn lơ đãng đi chỗ khác khi em đang nói chuyện – hãy cho em biết mẹ đang rất quan tâm và bé con có thể tin tưởng ở mẹ.

Những em bé ở tuổi này phản ứng cực tốt đối với chất giọng mang tính nữ – người được cho là gắn liền với sự xoa dịu và cung cấp thực phẩm nếu xét theo tiến trình lịch sử.

Đó cũng chính là lý do tại sao hầu hết mọi người thường nâng cao tông giọng hoặc cường điệu khi trò chuyện cùng các em.

Điều này ổn thỏa – các nghiên cứu chỉ ra rằng kiểu nói chuyện cường điệu như vậy không hề làm chậm sự phát triển khả năng nói ở trẻ, nhưng có thể có sự pha trộn trong cách dùng từ thường xuyên của người lớn và cả tông giọng nữa.

Nghe có vẻ sớm nhưng với việc trò chuyện cùng trẻ, mẹ cũng đang hình thành một giai đoạn để những từ ngữ đầu tiên này bước vào thế giới của con.

Thỉnh thoảng bé con có thể không có hứng thú trò chuyện hoặc tạo ra các âm thanh – thậm chí bé cần không gian và sự nghỉ ngơi để tránh tất cả sự khuyến khích bé nói chuyện trong thế giới này.

Thường thì bé bắt đầu quay đi, nhắm mắt, trở nên nhặng xị hoặc cáu kỉnh. Nếu vậy, mẹ cứ để bé được yên hoặc mẹ thử vỗ về bé xem sao.

Có những thời điểm khi mẹ đã đáp ứng tất cả những nhu cầu của bé rồi nhưng bé vẫn tiếp tục khóc. Mẹ đừng tỏ ra chán nản – có thể bé đang bị kích thích thái quá, hoặc bé có quá nhiều năng lượng tích tụ cần được giải tỏa thông qua việc khóc to lên.

Mẹ nên lưu ý bé sẽ có một giai đoạn trở nên cáu kỉnh vào cùng một thời điểm trong ngày, thường là khoảng thời gian giữa đầu giờ tối và lúc nửa đêm.

Mặc dù tất cả các bé đều khóc và gây om sòm thì khi một em bé sơ sinh khỏe mạnh khóc hơn 3 tiếng mỗi ngày, hơn 3 ngày mỗi tuần và trong vòng ít nhất 3 tuần, hiện tượng này được biết đến như hội chứng quấy khóc bất thường ở trẻ (Colic).

Mẹ hẳn phải sốt ruột lắm nhưng cũng may giai đoạn này chỉ xảy ra trong ngắn hạn bởi vì hầu hết các bé đều bỏ được tật này khi chạm đến mốc 3 – 4 tháng tuổi.

Những lúc như vậy, mẹ hãy thử dỗ dành em. Một số bé cảm thấy thoải mái với các chuyển động nhẹ như đu đưa hoặc mẹ bế đi đi lại lại quanh phòng.

Một số bạn lại thích nghe thấy những âm thanh như tiếng nhạc nhẹ, hoặc có khi lại tỏ ra thích thú đối với tiếng ù ù của máy hút bụi.

Mẹ sẽ phải mất thêm một chút thời gian để tìm ra điều gì làm bé thoải mái nhất trong suốt giai đoạn nhạy cảm này.

[adinserter block=”12″]

Nếu mẹ còn lo lắng…

Hãy nói chuyện với bác sỹ nếu bé khóc bất thường suốt một giai đoạn dài hoặc mẹ thấy tiếng khóc của em nghe rất lạ.

Bác sỹ có thể trấn an mẹ hoặc tìm hiểu các lý do liên quan đến y tế khiến em khó chịu. Nhiều khả năng là chẳng có gì bất ổn cả nhưng chỉ như vậy mẹ mới được yên tâm và trở nên bình tĩnh hơn khi bé con cứ khó chịu, cáu kỉnh.

Ở giai đoạn phát triển này, bé thường đạt được đến những cột mốc giao tiếp như sau:

  • Để ý tới các khuôn mặt và mọi thứ xung quanh
  • Mỉm cười khi nghe thấy tiếng của bố mẹ
  • Mỉm cười “giao tiếp xã hội”
  • Thầm thì và tạo ra những âm thanh dễ thương khi được ai đó trò chuyện cùng mình
  • Bắt chước những âm thanh và biểu cảm của cơ mặt

Hãy nhớ rằng bé giao tiếp ở các mức độ khác nhau, cũng như cơ thể bé trưởng thành ở những mức độ không giống nhau. Thường thì không có nguyên nhân nào cần đặc biệt quan tâm cho điều kiện này, song nếu mẹ có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến kỹ năng ngôn ngữ và khả năng nghe của bé, mẹ nên thông tin cho bác sỹ nắm được tình hình.

(Dịch từ bài viết Communication and your 1-3-month-old, Wesite Kidshealth, Nguyễn Thị Thu Hằng dịch, Út Em Shop sở hữu nội dung Tiếng Việt)

Leave a Comment