Trẻ sơ sinh bị sốt mẹ nên làm gì?

Út Em chào các mẹ. Khi hôn hoặc chạm nhẹ vào trán của bé, nếu các mẹ cảm thấy trẻ nóng hơn bình thường thì có thể trẻ đã bị sốt. Nhiệt độ cơ thể nóng hơn bình thường được gọi là sốt.

Sốt thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang cố gắng chống lại những bệnh truyền nhiễm. Đo nhiệt độ cơ thể của bé có thể xác định rõ nhất những nghi ngờ của mẹ và giúp cho các mẹ cũng như bác sĩ tìm ra được cách tốt nhất để điều trị cho bé.

Theo Viện nhi khoa Hoa Kỳ, nhiệt độ cơ thể bình thường với một bé khỏe mạnh là từ 36,1ºC đến 37,9ºC. Nếu nhiệt độ cơ thể bé từ 38ºC hoặc cao hơn thì bé đã bị sốt.

trẻ sơ sinh bị sốt nhẹ

Dấu hiệu, triệu chứng của sốt nguy hiểm

Nhiệt độ cơ thể không phải chỉ số duy nhất cho biết trẻ bị sốt có nguy hiểm hay không.

Độ tuổi của trẻ nhỏ là một yếu tố khác. Sốt thường nguy hiểm hơn với những trẻ dưới 3 tháng tuổi.

Hành vi cử chỉ của bé cũng là một yếu tố nữa cần tính đến. Sốt cao mà không làm ngưng các hoạt động vui chơi và ăn uống bình thường của bé thì cũng chưa đáng lo ngại.

Các mẹ cần nhớ rằng, nhiệt độ cơ thể con người thường tăng lên lúc chiều muộn hoặc đầu giờ tối và giảm trong khoảng từ nửa đêm đến gần sáng. Vòng tuần hoàn điều nhiệt bên trong cơ thể tự nhiên này giải thích tại sao phần lớn bác sĩ hay nhận được những cuộc điện thoại hỏi về triệu chứng sốt lúc chiều tối.

Khi nào cần gọi cho bác sĩ

Các mẹ không thể biết chắc được liệu trẻ có thực sự bị ốm hay không nên cứ gọi cho bác sĩ nếu thấy lo lắng hoặc có vấn đề gì với nhiệt độ cơ thể bé. Bác sĩ sẽ cung cấp những lời khuyên cụ thể hơn nhưng nhìn chung:

  • Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi mà nhiệt độ cơ thể từ 38ºC trở lên, hãy gọi cho bác sĩ ngay. Trẻ ở độ tuổi này cần phải kiểm tra ngay vì có thể bị nhiễm khuẩn hoặc bệnh nghiêm trọng
  • Nếu trẻ được 3 tháng tuổi hoặc lớn hơn, điều quan trọng nhất là quan sát những hành động của trẻ. Trường hợp trông bé vẫn khỏe mạnh, tiếp nhận dinh dưỡng tốt thì không cần gọi cho bác sĩ ngay trừ khi cơn sốt kéo dài dai dẳng hơn 24 tiếng hoặc sốt rất cao, hãy hỏi bác sĩ để được hướng dẫn thêm. Ví dụ, bác sĩ thường khuyên các mẹ nên gọi ngay đến cơ sở y tế khi bé sốt đến 40ºC dù có hay không có thêm bất cứ triệu chứng nào
  • Viện nhi khoa Hoa Kỳ khuyên rằng các mẹ cần gọi luôn cho bác sĩ nếu trẻ đang ở độ tuổi từ 3 tháng đến 6 tháng tuổi bị sốt khoảng 38,3ºC trở lên hoặc trẻ hơn 6 tháng tuổi bị sốt từ 39,4ºC trở lên và có một số triệu chứng như không thèm ăn, ho, tai có dấu hiệu bị đau, quấy khóc hoặc uể oải không bình thường, nôn mửa hoặc tiêu chảy

Cũng cần gọi cho bác sĩ nếu thấy:

  • Trẻ nhợt nhạt hoặc ít phải thay
  • Có vết phát ban không biết nguyên nhân. Vì đây có thể là dấu hiệu chứng tỏ bé gặp phải vấn đề nghiêm trọng đi kèm với sốt. Điểm nhỏ bị đỏ và thâm tím mà không chuyển sang màu trắng hay nhạt màu đi khi ấn vào hoặc vệt tím lớn có thể báo hiệu bé đang bị nhiễm trùng do vi khuẩn nghiêm trọng
  • Trẻ khó thở (thở nặng nề hoặc thở nhanh hơn bình thường) thậm chí sau khi các mẹ đã rửa, hút sạch mũi với thiết bị vệ sinh mũi cho bé. Điều này cho thấy bé có thể bị viêm phổi hoặc viêm phế quản
  • Trẻ trông giống như bị ốm mà nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường (thấp hơn 36ºC). Trẻ sơ sinh đôi thường có thân nhiệt bị lạnh thay vì nóng khi ốm

Trường hợp trẻ dưới 3 tháng tuổi, bác sĩ sẽ yêu cầu các mẹ đưa bé đi kiểm tra. Bác sĩ có thể sẽ không kê thuốc hạ sốt trước khi biết được chính xác bé sốt bao nhiêu độ.

Nếu trẻ được 3 tháng tuổi hoặc lớn hơn mà vẫn tỉnh táo, ăn uống tốt và không có biểu hiện ốm nghiêm trọng gì khác, các bác sĩ sẽ khuyên mẹ chờ hết 24 tiếng trước khi đưa bé đi kiểm tra. Bởi vì sốt là triệu chứng đầu tiên thường thấy của nhiều bệnh lý, bác sĩ có thể không tìm thấy nguyên nhân đặc biệt nào nếu đưa trẻ đi khám quá sớm.

Phụ thuộc vào thể trạng và độ tuổi của bé, các bác sĩ sẽ kê đơn hạ sốt. Các mẹ nên tránh tự ý mua thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Bất cứ trẻ đang ở độ tuổi nào, nếu bé có những biểu hiện ốm hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ nơi đưa bé đến khám, có thể là phòng khám (nếu trong giờ hành chính) hoặc phòng cấp cứu.

Điều trị cho trẻ bị sốt

Vì sốt là dấu hiệu một phần cơ chế phòng vệ của cơ thể bé đang chống lại với sự xâm nhập của vi khuẩn và vi-rút nên nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc tăng thân nhiệt có thể giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng hiệu quả. Vi khuẩn và vi-rút chỉ thích hợp với môi trường có nhiệt độ khoảng 37ºC. Khi trẻ bị sốt, cơ thể sẽ buộc phải sản sinh ra nhiều tế bào bạch cầu và kháng thể để chống lại sự nhiễm trùng.

Mặt khác, nếu thân nhiệt bé quá cao, trẻ sẽ ăn uống, ngủ nghỉ kém hơn. Điều này càng khiến cơ thể khó hồi phục.

Nếu bé bị sốt mà không có ảnh hưởng gì đến hành vi của bé, các mẹ không cần cho trẻ uống thuốc gì để hạ sốt. Bổ sung nhiều sữa mẹ hoặc sữa công thức để ngăn chặn việc bé bị mất nước, không mặc quá nhiều áo hoặc bọc bé quá chặt khi bé ngủ.

Khi thân nhiệt của bé cao hơn bình thường vì mặc nhiều áo hoặc do chính nhiệt độ thời tiết quá nóng, hãy giữ cho bé được thoải mái bằng cách bỏ bớt vài lớp áo và để trẻ nghỉ ngơi hoặc vui chơi nhẹ nhàng ở những nơi mát mẻ.

1. Điều trị sốt bằng thuốc

Nếu triệu chứng sốt khiến trẻ khó chịu bác sĩ có thể kê thuốc cho bé uống hoặc đút đít.

Các mẹ cần cẩn thận khi cho bé uống thuốc. Cân nặng của bé sẽ quyết định liều lượng dùng thuốc đúng cách. Luôn sử dụng thiết bị đong đo đi kèm với thuốc để cho bé uống đúng liều lượng các mẹ nhé.

Không cho bé uống thuốc hạ sốt nhiều hơn chỉ định. Ibuprofen không khuyến nghị cho trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc cho những bé bị mất nước hoặc nôn mửa dai dẳng. Không được cho trẻ uống aspirin vì nó có thể khiến trẻ bị mắc hội chứng Reye – một rối loạn hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong.

Lưu ý thêm: Phần lớn các bác sĩ không khuyến khích việc bố mẹ cho trẻ sơ sinh uống thuốc ho và thuốc cảm quá liều lượng, nếu bé đang phải điều trị theo đơn, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho uống thêm loại thuốc nào. Thuốc ho và cảm lạnh có thể chứa những thành phần hạ sốt nên nếu cho trẻ uống chúng, có thể các mẹ đã đang cho trẻ uống quá nhiều thuốc. Cũng cần tìm hiểu thêm với bác sĩ trước khi cho bé uống giảm đau.

2. Lau người cho trẻ bị sốt

Các mẹ có thể cố gắng giảm sốt cho bé bằng cách lau qua người. Bé vẫn có thể tắm, nhưng phải bằng nước ấm, tránh nước lạnh.

Không được giảm sốt cho bé bằng cách lau người bé với cồn. Cồn lau người có thể hấp thụ vào máu trong cơ thể thông qua da. Nó có thể làm trẻ hạ sốt, mát người nhanh chóng nhưng hoàn toàn cũng có thể lại làm tăng thân nhiệt của bé.

[adinserter block=”12″]

Biến chứng

1. Sốt cao co giật

Sốt đôi khi gây co giật ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hiện tượng này thường xảy ra với trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi.

Nếu trẻ bị co giật, trẻ có thể trợn mắt, chảy nước dãi hoặc nôn mửa. Tay chân của bé trở nên cứng và cơ thể sẽ co giật. Trong hầu hết các trường hợp, các cơn co giật hay động kinh là vô hại nhưng không thể không lo sợ hay sơ suất khi bé nhà mình gặp phải tình huống này được.

2. Bị sốt lại

Thuốc hạ sốt có thể giảm sốt cho bé tạm thời. Nó không làm ảnh hưởng đến cơ chế gây nhiễm khuẩn, vì vậy trẻ vẫn có thể bị sốt cho đến khi loại sạch được sự nhiễm khuẩn này. Ít nhất phải mất từ 2 – 3 ngày.

Một số bệnh nhiễm khuẩn như cúm có thể kéo dài từ 5 – 7 ngày. Nếu trẻ được điều trị bằng kháng thể chống nhiễm khuẩn, vẫn có thể phải chờ 48 tiếng sau thì thân nhiệt mới hạ.

3. Sốt không kèm theo triệu chứng gì

Khi bé bị sốt mà không kèm theo sổ mũi, ho, nôn hoặc tiêu chảy thì rất khó tìm ra nguyên nhân.
Có nhiều loại vi-rút gây sốt nhưng không có triệu chứng nào khác. Một số loại khác ví dụ vi-rút ban đào (roseola) có thể gây sốt cao suốt 3 ngày, sau đó sẽ có vết phát ban màu hồng nhẹ trên cơ thể bé.

Những bệnh lây nhiễm trùng nguy hiểm hơn như viêm màng não, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc vi khuẩn trong máu có thể gây sốt cao nhưng không kèm theo triệu chứng đặc biệt nào.

Nếu trẻ bị sốt đến 39ºC hoặc cao hơn và kéo dài hơn 24 tiếng thì phải gọi cho bác sĩ ngay dù có hay không có triệu chứng nào khác.

Chúc mẹ của bé mau khỏe.

(Theo Babycenter – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

2 thoughts on “Trẻ sơ sinh bị sốt mẹ nên làm gì?”

  1. Bạn ơi cho mình hỏi con mình dc 6 tháng . Con mình bị sốt 3 ngày rồi như k đỡ có biện pháp gì hiệu quả nhanh k bạn .

    Reply
  2. Bạn ơi cho mh hỏi chút. Bé nhà mình bị sốt nhẹ và có đi tướt, vậy bé bị làm sao b. Bé dc 3 tháng tuổi

    Reply

Leave a Comment