Trẻ sơ sinh & trẻ nhỏ bị táo bón, mẹ nên làm gì?

Làm thế nào để biết liệu con mình có bị táo bón hay không?

Út Em chào các mẹ. Trước tiên, chúng ta cần biết điều gì là bình thường đối với con của bạn. Bé có thể sẽ đi ngoài sau mỗi bữa ăn, hoặc cũng có thể sau một ngày hoặc hơn thế mới đi một lần.

Thói quen sinh hoạt của mỗi bé lại khác nhau, phụ thuộc vào những gì bé ăn uống, mức độ hoạt động cũng như tốc độ tiêu hóa thức ăn của bé như thế nào. 

trẻ bị táo bón có rất nhiều nguyên nhân

Nếu bé uống sữa công thức hoặc ăn thực phẩm rắn, có thể bé sẽ đi ngoài thường xuyên hơn, khoảng ít nhất một lần trong ngày. Nếu em bé được nuôi bằng sữa mẹ, thì sẽ không có con số “bình thường” hay lịch trình cụ thể nào đối với nhu cầu tiểu tiện của con bạn đâu. Việc trẻ được bú sữa mẹ mà chỉ đi ngoài một lần một tuần không phải là điều hiếm gặp.

Sau một thời gian, bạn sẽ quen với những thói quen riêng biệt của bé. Nếu bạn đang lo lắng rằng con mình có thể đang bị táo bón, hãy xem xét những dấu hiệu dưới đây:

  • Đi ngoài ít hơn bình thường, đặc biệt là nếu con bạn không đi ngoài một lần nào trong vòng ba ngày hoặc hơn thế và cảm thấy khó chịu khi đi ngoài.
  • Phân thường hay khô, cứng khiến bé khó rặn ra.

Tại sao con tôi lại bị táo bón?

Dưới đây là một vài nguyên nhân có thể gây ra táo bón ở trẻ nhỏ:

  • Thực phẩm rắn. Đừng ngạc nhiên nếu con bạn mắc phải chứng táo bón nhẹ khi ăn nhiều thức ăn rắn hơn. Đó thường là do ngũ cốc (loại thức ăn bé thường ăn đầu tiên trong giai đoạn chuyển tiếp này) có ít chất xơ. Táo bón cũng có thể xảy ra khi bạn cai sữa cho con vì việc này đôi khi dẫn đến tình trạng mất nước ở trẻ nhỏ.
  • Sữa công thức. Những trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn rất ít khi bị táo bón. Bởi sữa mẹ có sự cân bằng hoàn hảo giữa chất béo và protein, do đó phân thải ra hầu như lúc nào cũng mềm – thậm chí ngay cả khi con bạn không đi ngoài trong khoảng vài ngày.

Nếu con bạn đang uống sữa công thức, thì rất có thể một thành phần nào đó trong sữa công thức khiến em bé bị táo bón. Các thành phần protein có trong các loại sữa công thức khác nhau có thể gây ra táo bón là chuyện hết sức bình thường. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc thay đổi loại sữa cho con bạn.

(Cho dù bạn đã nghe được những thông tin gì đi nữa thì lượng sắt có trong sữa công thức không gây ra táo bón)

  • Mất nước. Nếu con bạn bị thiếu nước, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách hấp thụ chất lỏng nhiều hơn từ bất cứ thứ gì bé ăn hoặc uống – và cả từ các chất thải trong ruột của bé. Do đó phân sẽ bị cứng và khô khiến bé khó đi ngoài.
  • Ốm yếu hoặc mắc một số bệnh khác. Mặc dù hiện tượng này thường không phổ biến, nhưng táo bón có thể là do một loại bệnh tiềm ẩn nào đó gây nên như suy tuyến giáp, ngộ độc và dị ứng thực phẩm hay các rối loạn chuyển hóa. Táo bón do bệnh Hirschsprung (một loại bệnh gây bởi dị tật bẩm sinh khiến cho đường ruột của bé hoạt động không bình thường) rất ít khi xảy ra.

Nếu bạn không tìm ra lý do tại sao con mình lại đi ngoài ra phân cứng và đau rát thì hãy trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của con mình.

Làm thế nào để chữa táo bón cho con tôi?

Dưới đây là một số cách bạn có thể thử áp dụng:

  • Giúp bé rèn luyện một số bài tập. Nếu con bạn đang tập bò, hãy khích lệ bé bò thêm một vài vòng. Nếu em bé vẫn chưa biết bò, thay vào đó hãy thử đưa chân của bé lên xuống nhẹ nhàng. Trong khi bé đang ngồi trên lưng bạn, hãy nhẹ nhàng đưa đôi chân của bé theo chuyển động tròn, ra phía trước như thể bé đang đạp xe đạp vậy.
  • Hãy mát-xa bụng cho bé. Ước lượng vị trí dưới rốn cách 3 ngón tay về phía bên trái bụng bé rồi ấn nhẹ một lực. Ấn cho đến khi bạn cảm thấy có độ cứng hoặc căng. Ấn nhẹ liên tục như vậy trong khoảng 3 phút.
  • Nếu bạn cho trẻ uống sữa công thức. Hãy hỏi bác sĩ về việc chuyển sang dùng các dòng sữa mang thương hiệu khác nhau. Đôi khi thêm một chút si-rô ngô đen vào sữa công thức cho trẻ cũng có tác dụng nhất định: Bổ sung 1/4 thìa cà phê si-rô vào mỗi 115 gram sữa (4 ounces). Nếu vẫn chưa có tác dụng, bạn hãy thử tăng dần lượng si-rô lên. Nhưng bạn không nên dùng nhiều hơn 1 thìa cà phê si-rô cho mỗi 115 gram sữa.
  • Thêm một chút nước ép mận vào sữa công thức hoặc sữa mẹ nếu em bé của bạn đã được ít nhất 4 tuần tuổi. Thông thường, bạn không cần phải cho bé uống nước ép, nhưng đây lại là một cách tốt để làm giảm triệu chứng táo bón. (Hãy thử nước ép táo hoặc lê thay vì mận nếu mùi vị của mận làm bé không thích). Cho bé uống khoảng 30 gram (1 ounce) nước ép/1 ngày trong những tháng đầu, sau đó tăng dần lên 115 gram khi bé đã được 4 tháng tuổi. Và sau 8 tháng, em bé của bạn có thể dùng lên đến 170ml nước ép trái cây mỗi ngày để điều trị táo bón.
  • Nếu bé đã đủ tuổi để ăn các loại thức ăn rắn, bạn hãy cắt giảm các loại thực phẩm dễ gây táo bón cho bé như gạo, chuối, cà rốt nấu chín. Hãy thử bổ sung thêm vào thực đơn của bé một vài thìa mận, mơ, đào hoặc lê xay nhuyễn để giúp cho phần ruột già của bé được thả lỏng. Để có được kết quả tốt nhất, đầu tiên bạn hãy mát-xa bụng cho bé, sau đó bổ sung thêm cho bé những thức ăn giàu chất xơ.
  • Nói chuyện với bác sĩ của bé về việc lựa chọn các phương pháp điều trị khác. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc làm mềm phân không cần kê đơn để giúp bé đi đại tiện dễ dàng hơn, nhưng nên nhớ không được cho bé uống thuốc nhuận tràng khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Các bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn hãy cho bé thử một viên đạn glycerin nếu bé bị táo bón nặng. Viên đạn sẽ kích thích trực tràng của bé và giúp thải phân ra ngoài. Sử dụng viên đạn glycerin đôi khi là tốt, nhưng bạn không nên lạm dụng nó bởi em bé của bạn dễ có thể bị phụ thuộc quá nhiều vào nó để đi đại tiện.
  • Nếu em bé của bạn đi đại tiện ra phân quá khô và cứng, bằng mắt thường bạn có thể nhìn thấy có một ít máu hoặc vết xước nhẹ (vết nứt) trên vùng da xung quanh hậu môn của bé, bạn có thể thoa kem dưỡng tinh chất lô hội (aloe vera) để giúp những vết nứt mau lành. Bạn nên giữ cho phần hậu môn của bé càng sạch và khô càng tốt, và đề cập tình trạng của các vết nứt này tới bác sĩ của bé.

Khi nào tôi cần gọi bác sĩ?

Hãy gọi cho bác sĩ nếu con bạn không chịu ăn, sút cân, hoặc đi đại tiện ra máu. Hoặc nếu bạn đã thử các phương pháp điều trị cơ bản chẳng hạn như điều chỉnh chế độ ăn uống cho bé nhưng vẫn không có tác dụng.

nếu bé đang dưới 4 tháng tuổi, bạn hãy gọi cho bác sĩ nếu phân quá cứng hoặc bé không thể đi đại tiện trong vòng 24 giờ kể từ khi đi đại tiện gần nhất. Tuyệt đối không sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc đạn cho bé khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.

(Út Em Shop dịch và tổng hợp từ babycenter)

Leave a Comment