Nhật ký sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Út Em xin chào các mẹ. Hẳn là không ít những mẹ lần đầu chuẩn bị sinh con có rất nhiều lo lắng cũng như rất nhiều câu hỏi cho dấu mốc quan trọng này. Không biết quá trình sinh con diễn ra như thế nào, chọn sinh con ở đâu, thủ tục, trình tự ra sao, chi phí khoảng bao nhiêu … Để giải đáp chính xác cho những điều đó, các mẹ chỉ có thể hỏi kinh nghiệm của những mẹ đã từng sinh con. Dưới đây là một đoạn trích câu chuyện sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương của Mẹ Sâu kể lại cho các mẹ tham khảo, mong rằng câu chuyện có thể giúp ích cho các mẹ phần nào.

Sâu đang ngủ ngon lành tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Sâu lúc mới sinh, ngủ ngon lành tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Con chào các mẹ nhé.

“Con gái yêu của mẹ! Vậy là sắp đến ngày con tròn 1 năm tuổi rồi đấy, nhanh quá phải không con? Chúc con luôn mạnh khỏe và vui tươi con nhé.

Con biết không, mấy hôm nay trời trở lạnh làm mẹ nhớ tới ngày hai mẹ con mình gặp nhau lần đầu tiên quá, cũng là hôm trời rét mướt cóng người như vầy này. Hay vì trời lạnh mà con gan lì, đến ngày dự sinh rồi cũng chả muốn rời cái tổ trong bụng mẹ nhỉ. Để khuyến khích con chui ra ngoài, các bác sĩ và mẹ đã phải vất vả lắm đấy con yêu ạ.

Ban đầu là mẹ có kế hoạch sinh con ở quê để tiện cho bà nội, bà ngoại chăm hai mẹ con mình, vì nhà mình gần ngay bệnh viện huyện. Nhưng đến tuần cuối trước ngày dự sinh, tuần thứ 39, mẹ đi khám ở bệnh viện huyện, bác sĩ cho biết nước ối ít, con thì cũng đủ tháng đủ ngày rồi mà mẹ chưa có dấu hiệu gì của chuyển dạ cả, nên bác sĩ khuyên mẹ làm thủ tục nhập viện để bác sĩ làm thủ thuật đình chỉ thai nghén – tức là sinh mổ đấy con. Nhưng mà mẹ thì sợ dao kéo lắm, mẹ sợ đau, mẹ rất muốn sinh thường tự nhiên, mẹ thấy rất hoang mang nếu phải mổ. Cuối cùng mẹ quyết định lên bệnh viện tuyến trên để mẹ cảm thấy an tâm hơn.

Ngay sáng hôm đó, ngày 25/1, mẹ và bà nội mang theo quần áo, đồ chuẩn bị sinh mà mẹ đã chuẩn bị từ trước đó đi lên bệnh viện C (bệnh viện phụ sản Trung ương). Trên đường đi mẹ cũng gọi cho bà ngoại để nói tình hình và thế là ông bà ngoại cũng đến bệnh viện với mẹ, còn có cả bà Hoa (mẹ gọi bằng thím) đi cùng nữa. Mọi người và mẹ đều đinh ninh là tình hình của mẹ con mình thì chắc đến bệnh viện là sẽ làm thủ tục để mổ luôn, vì vậy ai cũng trong tư thế chuẩn bị chào đón thành viên mới, hồi hộp, háo hức nhưng cũng không ít lo lắng. Mẹ đến bệnh viện C là vào luôn phòng cấp cứu, trình giấy khám ở bệnh viện huyện cho bác sĩ xem và giải thích sự việc. Bác sĩ xem sau đó cho mẹ đi khám và hướng dẫn làm hồ sơ sinh. Hồ sơ cũng không có gì phức tạp lắm, bác sĩ hỏi thông tin điền vào hồ sơ, sau đó mẹ đi siêu âm, làm xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu đợi có kết quả đưa lại cho bác sĩ là xong bộ hồ sơ rồi, chỉ mất một buổi sáng nếu đi sớm, nhưng mẹ phải đợi đến chiều vì sáng hôm đó quá nửa buổi mẹ mới đến bệnh viện mà. Có kết quả rồi, bác sĩ xem và báo với mẹ tình hình nước ối thấp nhưng vẫn trong mức an toàn, không có gì phải lo lắng quá, bảo mẹ cứ về nhà tăng cường uống nước, 2 ngày sau đi khám lại. Vậy là cả đoàn quân lại rồng rắn kéo nhau về.

Đến ngày 28/1 mẹ vào bệnh viện khám lại, có bà ngoại đi cùng mẹ, lần này mẹ không mang theo đồ chuẩn bị sinh nữa vì nếu có gì thì bà quay lại nhà trọ lấy đồ sau, thế cho đỡ lích kích đồ đạc. Mẹ tới bệnh viện và xếp hàng lấy số khám, bệnh viện này lúc nào cũng đông người khám, nửa buổi sáng thì tới lượt số của mẹ. Mẹ được khám, siêu âm và chạy máy (chạy máy tức là đo cơn co tử cung bằng máy monitoring), dựa vào kết quả, bác sĩ tư vấn cho mẹ rằng con đã gần 40 tuần, nếu để lâu hơn để đợi có dấu hiệu sinh cũng được, nhưng mẹ ít nước ối, và thai nhi đã già tuần, để lâu quá bị vôi hóa dây rốn thì con cũng không lớn hơn được, vậy nên mẹ nhập viện để theo dõi thêm và tùy vào tình hình các bác sĩ sẽ thực hiện sinh mổ hay không. Vậy là hôm đó mẹ được hướng dẫn nhập viện, còn bà ngoại thì về nhà và lấy đồ đạc. Lúc mẹ đóng tiền nhập viện, phí là 3 triệu, nhưng mẹ không đủ tiền ngay, cô thu ngân bảo có bao nhiêu ứng trước cũng được, còn người nhà sẽ nộp đủ sau, đây là phí nộp trước thôi, còn phí hết bao nhiêu thì khi xuất viện sẽ bù trừ sau, bệnh viện cũng linh hoạt phải không con.

Mẹ cùng mấy mẹ bầu nữa nhập viện cùng nhau, có một cô y tá dẫn mọi người vào một tòa nhà, lên tầng 3, ở đó có những mẹ bầu sắp sinh ở cùng nhau trong một phòng rộng có khoảng gần 20 chiếc giường, mỗi người một giường, còn người nhà thì ở ngoài phân cách bởi một chiếc cửa sắt, đến giờ quy định thì chỉ có một người nhà được vào đưa cơm 30 phút sau đó lại ra ngoài. Phòng chờ sinh của các mẹ đối diện với 2 phòng sinh thường và một phòng khám siêu âm. Trong phòng chờ sinh mỗi một giường lại có một máy monitoring để các bác sĩ thăm khám thường xuyên liên tục cho các mẹ sắp sinh. Các mẹ được đo bằng máy monitoring ít nhất 2 lần một ngày và mỗi lần khoảng 1 – 1,5 tiếng liên tục. 

[adinserter block=”12″]

Mẹ được các bác sĩ khám và theo dõi ở phòng chờ sinh 2 ngày nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ nào. Đến sáng ngày 30/1 bác sĩ làm thủ thuật “đặt bóng” cho mẹ để kích thích cổ tử cung mở. Đặt bóng lúc 9h sáng, đến khoảng 16h mẹ đau bụng và ra huyết, đến gần 17h mẹ không còn đau nữa, bác sĩ bảo đó là dấu hiệu tốt. Đến khoảng 19h thì mẹ được thăm khám và cổ tử cung mở 2 phân. Khoảng 20h mẹ được gọi lên bàn sinh chuẩn bị sinh, lúc này mẹ vẫn chưa đau bụng lại. Mẹ nằm đó, các y bác sĩ đưa ống truyền và tiêm thuốc cho mẹ, khoảng 21h mẹ bắt đầu có những cơn đau đầu tiên. Các cơn đau tăng dần và dồn dập hơn, mẹ được hướng dẫn cách thở để giảm đau mỗi lần có cơn co, và được lưu ý là không được rặn. Lúc này mẹ không còn biết giờ giấc là gì nữa, chỉ tập chung để thở giảm đau thôi vì đau quá trời đất luôn con yêu ạ. Thỉnh thoảng thì có bác sĩ vào kiểm tra cho mẹ xem mẹ mở được mấy phân. Đến khoảng 2h sáng ngày 31/1( đúng ngày dự sinh của con) sau khi có một bác sĩ vào kiểm tra thì một lúc sau có thêm mấy người nữa vào cùng, một bác sĩ hướng dẫn mẹ cách rặn đẻ, một y tá đứng bên nắm tay mẹ động viên, một bác sĩ đứng dưới quan sát và công cuộc vượt cạn của mẹ con mình chuyển sang giai đoạn khó khăn nhất. Sau gần 2 tiếng vất vả và cố gắng, mẹ đã được nghe thấy tiếng con yêu. Niềm hạnh phúc vỡ òa, mẹ được nhìn con một chút xíu sau đó bác sĩ đưa con đi làm vệ sinh cho con. Mẹ cứ tưởng được da tiếp da với con, nhưng hỏi ra mới biết phải có yêu cầu trước khi sinh mới được thực hiện, mẹ hơi tiếc nhưng không sao, sau khi con về với mẹ chúng mình thực hiện sau con nhỉ!

Sau khi mẹ được khâu vết rách do sinh xong, mẹ được chở đến phòng hồi sức sau sinh, cùng lúc đó bà nội được vào đón con về với mẹ. Gặp được con mẹ cho con tuti ngay, cái miệng bé xíu xiu mút chùn chụt đáng yêu quá đi. Bé nào vừa sinh xong sẽ được tiêm vacxin viêm gan B ngay tại phòng này. Sau đó mẹ con mình được chuyển lên tầng 6, nguyên một tầng dành để chăm sóc cho các mẹ con sau sinh. Tầng đó rất đông, giường trong phòng không đủ phải kê cả ra ngoài hành lang, nhưng ở đó rất ấm và sạch sẽ. Tuy đông như vậy nhưng cũng chỉ mỗi người một giường thôi, thỉnh thoảng mới có một giường 2 người, và người sinh mổ thì được ưu tiên hơn người sinh thường. Mẹ sinh thường thì phải ở lại một ngày, còn mẹ nào sinh mổ thì phải ở lại ít nhất 5 ngày. Cứ đến 9h sáng các cô điều dưỡng cho các con đi tắm, để không nhầm lẫn thì trước đó, ngay sau khi sinh xong mỗi mẹ con đều được đeo một chiếc vòng ghi tên mẹ và con, con trai vòng màu xanh, con gái vòng màu hồng, tên của con là tên mà mẹ đã đăng ký khi nhập viện. Còn các mẹ sẽ được các cô phát thuốc uống, tiêm thuốc, phát quần áo và làm vệ sinh vết thương. Ở đây người nhà cũng được vào thăm theo giờ quy định của bệnh viện, nhưng cũng chỉ được một người vào thôi, buổi sáng, buổi trưa, mỗi đợt vào khoảng hơn tiếng, còn buổi tối người nhà được ở lại luôn đến sáng. Mẹ sinh thường sau khoảng 6 tiếng thì được khuyến khích ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng để nhanh hồi phục sức khỏe, mẹ nào sinh mổ thì nên nằm nghỉ, tùy vào sức khỏe của mỗi mẹ mà mẹ có thể ngồi dậy sớm hay muộn. Sau một ngày được chăm sóc ở bệnh viện, bác sĩ khám sức khỏe cho hai mẹ con lần cuối, tất cả đều tốt, sau đó ba con làm thủ tục xuất viện cho mẹ con mình trở về nhà.”

(Nhật ký của Mẹ Sâu – Út Em Shop)

2 thoughts on “Nhật ký sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương”

Leave a Comment