5 điều mẹ cần biết về thai máy

Út Em chào các mẹ.

Lần đầu tiên cảm nhận được những chuyển động của em bé trong bụng (thai máy) có thể là khoảnh khắc vui mừng và đầy cảm xúc đặc biệt trong suốt thời kỳ mang thai.

Thật tuyệt vời khi nghĩ về những cử chỉ loay hoay của bé bên trong và các mẹ sẽ thường thắc mắc không biết bé làm những gì trong đó.

1. Khi nào mẹ sẽ cảm nhận được thai máy?

Các mẹ có thể bắt đầu nhận thấy một số chuyển động nào đó ở khoảng thời gian từ tuần thứ 18 đến tuần 20 của thai kỳ.

Nếu đây là lần mang thai đầu tiên, mẹ có thể sẽ chậm nhận ra được những chuyển động nhẹ nhàng (như là đạp) của thai nhi trong bụng hay còn gọi là thai máy.

Trường hợp mẹ nào đã từng có con rồi, các mẹ sẽ để ý đến những dấu hiệu này hơn và có thể nhận thấy sự chuyển động rõ ràng của bé ngay từ tuần 16.

thai máy là các chuyển động nhẹ nhàng lần đầu trong bụng mẹ
Hình này chỉ có tính tượng trưng, chứ em bé không đạp mạnh đến nỗi in hình chân lên bụng mẹ đâu ạ.

Nếu các mẹ không thể cảm nhận được bất kỳ chuyển động nào của thai nhi khi đã được 24 tuần thì hãy gặp bác sĩ hoặc người hộ sinh luôn. Họ sẽ nghe tim thai và siêu âm hoặc làm những biện pháp kiểm tra khác nếu cần thiết.

2. Thai nhi thường làm gì trong bụng

Siêu âm có thể đưa ra những hình ảnh bên trong về thai máy và thời gian thai máy.

Thai nhi đã bắt đầu di chuyển từ lâu trước khi các mẹ cảm nhận được điều đó và những chuyển động này sẽ thay đổi khi lớn lên và phát triển hơn.

Nếu may mắn siêu âm trong lúc bé thức, các mẹ có thể sẽ nhìn thấy những cử chỉ luồn lách, vặn vẹo cơ thể của bé.

  • Tuần 7 – tuần 8: Thai nhi bắt đầu có sự khích động, ví dụ như uốn mình sang một bên và tạo ra những chuyển động nhỏ đột ngột như giật mình
  • Tuần 9: Thai có thể nấc hoặc chuyển động tay chân một chút. Bé cũng bắt đầu có những hành động như mút và nuốt
  • Tuần 10: Thai nhi có thể cử động phần đầu, đưa tay chạm lên mặt, mở miệng và duỗi thẳng cơ thể
  • Tuần 12: Bé có thể ngáp (mở miệng rộng hơn) khi duỗi thẳng. Có thể những hành động này cho thấy sự phát triển của thai nhi là một quá trình tương đối mệt mỏi
  • Tuần thứ 14: Thai nhi có thể cử động mắt
  • Tuần 15: Bé bắt đầu mút ngón tay cái của bàn tay thuận. Nếu các mẹ phát hiện điều này trong khi siêu âm, nó có thể là dấu hiệu cho thấy sau này bé sẽ thuận tay trái hay tay phải

Cuối cùng, thai máy sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn để các mẹ cảm nhận được. Lúc đầu, những cử động đó thường rất nhẹ nhàng và có cảm giác như sôi bụng, gợn sóng hoặc đôi khi chỉ như làn gió thoảng qua.

Mặc dù thai máy đã diễn ra trong thời gian dài nhưng các mẹ sẽ thường chỉ cảm nhận được lúc thai đẩy, xoay người, vặn mình hoặc thậm chí phải là những cử động mạnh hơn như đấm hoặc đạp khi chuyển động chân tay.

Thai nhi không có những chuyển động cố định nào. Bé cũng có những lúc ngủ và nghỉ ngơi nên các mẹ đừng quá lo lắng khi siêu âm thai mà không thấy thai máy vì có thể lúc đó bé đang ngủ.

Càng gần về giai đoạn cuối của thai kỳ, thời gian nghỉ của thai nhi càng kéo dài hơn. Thông thường là khoảng 20 phút mỗi lần hoặc có thể kéo dài đến 50 – 75 phút. Các mẹ có thể cảm thấy lâu hơn thời gian đó bởi vì không chú ý đến những chuyển động giữa mỗi lần của bé.

3. Thai có thể đạp bao nhiêu lần mỗi ngày?

Không có một con số cụ thể nào về số lần đạp của bé mà mẹ cảm nhận được và cũng không cần phải ghi lại hay lập bảng biểu về vấn đề này. Khi muốn đánh giá xem bé đang làm gì, những bảng biểu đó không cần thiết và sẽ không hữu ích bằng việc các mẹ tự cảm nhận hành động của con.

Hãy thử hòa mình cảm nhận thai máy trong suốt thời gian bé thức. Trong quá trình mang thai, các mẹ rất dễ bắt được nhịp điệu của bé. Mỗi bé có một thời gian ngủ – thức khác nhau và sẽ rất hữu ích nếu các mẹ ghi nhớ được thói quen bình thường của con mình.

Nếu các mẹ nhận thấy được sự thay đổi trong mỗi lần thai máy hoặc có lo lắng gì ở bất cứ thời điểm nào thì hãy liên hệ với người hộ sinh hoặc cơ sở y tế ngay để họ có thể kiểm tra sức khỏe của thai nhi.

4. Không thấy thai đạp có đáng lo không?

Nếu các mẹ không tập trung cảm nhận những chuyển động đạp của thai nhi thì có thể mẹ đã bỏ qua nó.

Để tập trung và đếm được chuyển động của thai, hãy nằm nghiêng về bên trái với một vật đệm dưới bụng. Giữ tư thế này trong khoảng 2 tiếng, có thể các mẹ sẽ cảm nhận thấy ít nhất 10 lần thai máy riêng biệt.

Sẽ dễ dàng cảm nhận thai máy khi nằm hơn là ngồi và sẽ càng khó nhận thấy chúng hơn nếu các mẹ đứng.

Trường hợp các mẹ muốn an tâm hơn, hãy thử một số cách dưới đây để khuyến khích bé cử động:

  • Nâng chân lên, ăn một bữa ăn nhẹ và nghỉ ngơi thư giãn: Thai nhi cảm thấy như được đung đưa để ngủ khi các mẹ di chuyển vòng quanh, sau đó bé có thể thức giấc khi các mẹ dừng lại và ăn gì đó
  • Uống một cốc nước lạnh: Thai nhi có thể cảm nhận được sự thay đổi nhiệt độ và cố gắng di chuyển để tránh nó. Một cốc nước ngọt lạnh cũng có thể giúp bé được cung cấp thêm đường để khuyến khích chuyển động (mẹ đừng uống nước lạnh quá – nó có thể làm mẹ viêm họng)
  • Tạo tiếng ồn vừa phải: Mở nhạc to hoặc đóng sầm cửa để xem thai nhi có phản ứng gì không (nhưng đừng quá mạnh đấy nhé)

Nếu thai máy, mọi thứ có vẻ rất ổn nhưng vẫn cần lưu tâm đến những chuyển động của thai nhi lúc này và tìm kiếm sự giúp đỡ sớm nhất có thể nếu các mẹ còn lo lắng điều gì.

[adinserter block=”11″]

5. Khi nào nên gặp bác sĩ hoặc người hộ sinh?

Cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc người hộ sinh ngay nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, không nên chờ đến ngày hôm sau nếu:

  • Không cảm nhận được 10 lần thai máy riêng biệt hoặc nhiều hơn trong khi nằm nghiêng về bên trái suốt 2 tiếng đồng hồ.
  • Thai nhi không có chuyển động phản ứng với tiếng ồn hoặc sự kích thích khác.
  • Có sự giảm sút nhiều về các hoạt động thai máy hoặc giảm đáng kể sau một vài ngày.

Nếu thai nhi ít chuyển động, đó có thể là dấu hiệu bị thiếu chất dinh dưỡng hoặc oxy qua nhau thai. Đó cũng có thể là biểu hiện của một nguy cơ nào đó như bé nhẹ cân so với những bé khác cùng ngày hoặc mẹ bầu gặp phải biến chứng nào trước đó.

Các mẹ có thể chọn cơ sở y tế hoặc khoa sản trong bệnh viện để kiểm tra. Ở đó, cả mẹ và thai nhi sẽ nhận được sự chăm sóc từ đội ngũ y bác sĩ. Họ sẽ đo tim thai và có thể siêu âm để đo kích cỡ em bé trong bụng hoặc mức nước ối xung quanh bé.

Một tin vui cho các mẹ là phần lớn những trường hợp này sau khi kiểm tra đều thấy mọi chuyện ổn định và thai nhi cũng vẫn khỏe mạnh.

Lúc đó, các mẹ sẽ trở về nhà và tiếp tục theo dõi thai máy. Nếu lại thấy thai nhi ít chuyển động, hãy liên lạc lại với bác sĩ luôn dù là đã từng xảy ra trường hợp này nhiều lần trước đó. Khi bác sĩ có lo ngại gì hoặc hoạt động của thai vẫn tiếp tục giảm thì họ sẽ tiến hành thêm những thủ thuật kiểm tra khác để đảm bảo biết rõ được tình trạng của bé.

Một lưu ý nhỏ với các mẹ là hãy tham khảo kinh nghiệm của những bà mẹ khác để biết cách trải qua những cơn đau hoặc sự khó chịu khi thai máy.

(Theo Babycenter – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment