Giặt quần áo mới trước khi mặc quan trọng như thế nào

Bạn đã từng mua một món đồ mới ở cửa hàng, sau đó vì quá thích thú, vì thiếu đồ, vì nhiều lí do khác nữa, bạn mặc luôn mà chẳng cần giặt? Việc này rất phổ biến, thậm chí điển hình luôn, lí do thường là nhiều quần áo trông cực kỳ sạch sẽ khi vừa được lấy từ trên gía treo xuống. Nhưng sự thật thì sao?

Ngắm người hay ngắm áo mới đây? nhớ giặt trước khi mặc nhé

Có lẽ nhiều người vẫn nghĩ đấy là quần áo mới, nên nó sạch, hoặc ít nhất thì cũng khá sạch.

Nhưng chúng ta đâu biết được rằng, theo yêu cầu của chương trình Good morning America, Tiến sĩ Philip Tierno, Giám đốc Sở Vi sinh và Miễn dịch học của Đại học New York đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một vài hợp chất có hại vẫn thường lẩn trốn trong quần áo.

Đây chỉ là một (trong số rất nhiều) lí do để chúng ta thấy rằng viêc giặt quần áo mới trước khi mặc là vô cùng quan trọng. Rất nhiều quần áo chứa đầy hóa chất và thuốc nhuộm, gây nguy cơ dị ứng hoặc làm phát sinh các vấn đề khác về sức khỏe.

Thậm chí các loại côn trùng (như chấy rận) cũng có thể chuyển từ cơ thể người mặc thử sang quần áo. Nếu bạn vẫn thường mặc luôn quần áo mới mua mà không giặt, có thể bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ của mình sau khi đọc xong bài viết hôm nay đấy.

Phân, vi khuẩn đường hô hấp, vi khuẩn âm đạo, và nhiều hơn thế nữa

Tiến sĩ Tierno đã tiến hành kiểm tra các loại quần, áo, đồ lót, áo jacket và nhiều loại quần áo khác được mua ở các chuỗi cửa hàng (cả các cửa hàng cao cấp và bình dân). Kết quả cho thấy, trên những bộ quần áo “mới” này có không ít các chất không “sạch sẽ” chút nào, bao gồm:

  • Vi khuẩn đường hô hấp
  • Vi sinh vật có trên da người
  • Vi sinh vật có trong phân
  • Các loại nấm men

Có lẽ không quá ngạc nhiên khi quần áo tắm, đồ lót và những quần áo thiết yếu khác thường là những trang phục bị “ô nhiễm” nặng nề nhất. Ông Tierno nói với ABC News:

Một số sản phẩm may mặc chứa một lượng lớn các vi sinh vật. Điều này có nghĩa rằng, một là: rất nhiều người đã cùng mặc thử bộ đồ đó hoặc hai là: có một ai đó đã mặc thử bộ đồ và cơ thể người này chính là “ổ chứa” các vi sinh vật này. Hay nói cách khác, nếu không giặt quần áo mới mua trước khi mặc, cũng có nghĩa là bạn đang chạm tay vào nách hoặc bẹn của người nào đó đấy.

Vì vậy nếu bạn muốn bảo vệ bản thân mình, giặt đồ trước khi mặc – đó là tất cả những gì bạn phải làm. Có thể bạn ít khi bị ốm vì một tác nhân nào đó, nhưng với các vi khuẩn trên quần áo này thì khả năng là có đấy.

Loại bệnh nào bạn có thể mắc phải nếu mặc quần áo chứa đầy vi khuẩn? Đó là: viêm gan A, tiêu chảy, nhiễm khuẩn MRSA (vi khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin), vi khuẩn salmonella, norovirus (nhóm vi-rút gây ra bệnh tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng), nhiễm trùng nấm men và liên cầu khuẩn gây nhiễm trùng cổ họng.

Thậm chí chấy, rận cũng có khả năng bị lây từ người này sang người khác từ việc mặc thử chung quần áo.

Tiến sĩ Tierno cũng nói với tờ The Huffington Post:

Tin tốt là hầu hết mọi người đều có hệ miễn dịch rất mạnh mẽ, có thể đánh bại một số lượng nhỏ vi khuẩn trên cơ thể mình. Cũng như việc tiếp xúc với người ốm không có nghĩa là bạn sẽ bị ốm theo

Ô nhiễm hóa chất: Thêm một lí do để bạn giặt quần áo trước khi mặc

Tùy thuộc vào xuất xứ của bộ quần áo mà bạn mới mua, chúng có thể chứa một vài loại hóa chất gây độc hại. Trong số đó có thuốc nhuộm azo-aniline, có thể khiến da bị kích ứng từ trung bình đến nghiêm trọng.

Nếu bạn có làn da nhạy cảm, những chất nhuộm như vậy có thể khiến làn da bị đỏ, rát, khô, đặc biệt là những vùng da tiếp xúc trực tiếp với vải, ví dụ khu vực thắt lưng, cổ, nách và đùi. Các chất gây kích ứng có thể bị đánh bay sau một lần giặt, nhưng cũng có một số chất cần giặt nhiều lần mới có thể hoàn toàn loại bỏ chúng.

Nhựa formaldehyde thường được sử dụng trong may mặc để giảm nhăn và chống nấm mốc cho quần áo. Không chỉ được biết đến là có khả năng gây ung thư, loại nhựa này còn có liên quan đến bệnh eczema và khiến cho làn da bị bong tróc, phát ban.

Trong khi đó, nonylphenol ethoxylate (NPE) là một chất độc hại có thể phá vỡ tuyến nội tiết cũng thường được sử dụng trong việc sản xuất quần áo.

Tất nhiên, không ai muốn phải tiếp xúc với một chất độc như NPE. Nhưng khi giặt đồ, NPE sẽ hòa vào nguồn nước, và đáng quan ngại là những nhà máy xử lý nước thải lại không thể loại bỏ được chất này.

Khi NPE đi vào môi trường, chúng bị phân hủy thành nonylphenol (NP), một hóa chất độc hại phá vỡ tuyến nội tiết, tích tụ trong các trầm tích, cá và các loài động vật hoang dã.

Hóa chất thậm chí vẫn còn trong quần áo sau khi đã giặt

Thật không may, việc giặt giũ quần áo mới cẩn thận cũng không thể loại bỏ hoàn toàn các hóa chất có hại trong quần áo.

Ví dụ, triclosan đôi khi được các nhà sản xuất thêm vào vải. Những nghiên cứu đã cho thấy triclosan có thể khiến thay đổi hormone và có thể cản trở sự phát triển của thai nhi.

Một nghiên cứu trên động vật cũng đã làm dấy lên mối quan ngại rằng triclosan có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Bên cạnh đó, một số vi khuẩn khi tiếp xúc với triclosan có đề kháng với một số loại kháng sinh. Thậm chí, người ta còn lo ngại về nguy cơ gây ung thư của chất này.

Các loại quần áo chống bám bẩn thường được làm từ hợp chất perfluorinate (PFC), rất độc hại với con người và môi trường. Chất này rất thông dụng, tạo nên đặc tính chống dính cho các loại chảo, nồi mà chúng ta vẫn thường sử dụng, và chúng cũng khá phổ biến để tạo nên đặc tính chống bám bẩn cho quần áo.

Trừ khi loại quần áo các bạn mua được sản xuất từ bông hữu cơ, loại vải mà bạn đang dùng có thể được làm từ loại bông được biến đổi gen, được xử lí bằng nhiều loại thuốc trừ sâu và hóa chất khác trong suốt quá trình sản xuất.

Hiệp hội người tiêu dùng hữu cơ (The Organic Consumers Association (OCA)) cho biết:

Những hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất bông vẫn còn một lượng tồn dư nhất định trong thành phẩm. Để hỗ trợ việc thu hoạch, thuốc diệt cỏ được sử dụng để khai quang cây, giúp việc chọn bông dễ dàng hơn.

Sản xuất vải từ các loài thực vật cần nhiều loại hóa chất, phục vụ cho việc tẩy trắng, điều chỉnh kích thước sợi vải, nhuộm, làm thẳng, giảm co kéo vải, chống bám bẩn, chống bám mùi, chống cháy, chống côn trùng, giảm nhăn và chống tĩnh điện.

Để những hóa chất này đi vào trong sợi vải, một số loại cần đến nhiệt. Trong quá trình này vải đã được giặt một vài lần. Tuy nhiên một số chất làm mềm vải và chất tẩy rửa không được loại bỏ hoàn toàn, vẫn còn tồn dư trong thành phẩm cuối cùng.

Hóa chất thường được dùng để hoàn thiện sản phẩm bao gồm, formaldehyde, caustic soda, axit sulfuric, bromines, nhựa ure, sulfonamides, halogens.

Để khử trùng, một số quần áo nhập khẩu hiện nay được tẩm loại thuốc khử trùng có khả năng tồn tại rất lâu, gây khó khăn trong việc loại bỏ. Loại hóa chất này và một số dư lượng hóa chất khác có khả năng ảnh hưởng đến những người có tình trạng nhạy cảm đa hóa chất (Multiple Chemicals Sensitivities)

Ngoài ra, nhiều người có các triệu chứng dị ứng với formaldehyde (như phát ban) do da tiếp xúc với quần áo có chứa chất này

Bông biến đổi gen được trồng theo cách truyền thống được coi là “loài cây trồng bẩn nhất thế giới”

Có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng bông được coi là loài cây trồng bẩn nhất trên thế giới do nền công nghiệp sản xuất bông sử dụng cực kỳ nhiều thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu độc hại, trong đó bao gồm những loại thuốc độc hại vào bậc nhất trên thị trường, Hiệp hội Hữu cơ Thương mại (The Organic Trade Association) cho biết.

Bông được coi là cây trồng bẩn nhất trên thế giới, do quá trình thu hoạch, sản xuất sử dụng một lượng rất lớn thuốc trừ sâu – những hóa chất độc hại nhất với sức khỏe con người và động vật. Diện tích trồng bông chiếm 2.5% diện tích đất canh tác của thế giới, trong khi đó sử dụng đến 16% tổng lượng thuốc trừ sâu, nhiều hơn bất kỳ một loại cây trồng chính nào khác.

Aldicarb, parathion, and methamidopho được Tổ chức Y Tế Thế giới (World Health Organization) chỉ ra là ba trong số những loại thuốc trừ sâu nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người, nhưng lại là những chất được sử dụng thông dụng nhất trong quá trình sản xuất bông.

Trong số bảy loại thuốc trừ sâu thường được dụng trong sản xuất bông, ngoại trừ một loại, những loại còn lại đều được phân loại mức độ độc hại từ trung bình đến cao.

Để sản xuất bông, aldicarb là loại thuốc trừ sâu bán chạy thứ hai và là loại thuốc độc hại nhất với sức khỏe con người. Chúng ta có thể mất mạng chỉ với một giọt aldicarb thấm vào da đi vào cơ thể. Độc hại là vậy, nó vẫn được sử dụng ở 25 quốc giá khác nhau và cả ở Mỹ, nơi đã có đến 16 bang báo cáo về việc xuất hiện loại thuốc trừ sâu này trong nước ngầm.

Và đúng như bạn nghĩ, những loại thuốc trừ sâu này tác động đến nhiều người với nhiều mức độ khác nhau – người nông dân làm việc trực tiếp với hóa chất, những người sống gần khu vực sử dụng hóa chất, người tiêu dùng mua bông và cuối cùng là tất cả mọi người – đều có thể bị ảnh hưởng do sự ô nhiễm môi trường ngày càng lan rộng ngày nay.

Đây chính là lí do tôi thực sự khuyến khích mọi người nên sử dụng các loại quần áo được sản xuất từ bông hữu cơ nhiều nhất có thể – đây là loại bông không bị biến đổi gen và bạn cũng ít chịu nguy cơ nhiễm độc hơn rất nhiều.

Mẹo nhỏ để mặc đồ an toàn hơn

Ưu tiên chọn lựa loại quần áo được sản xuất từ bông hữu cơ sẽ an toàn cho cả bạn và môi trường sống của chúng ta. Bạn có thể tìm xem trên loại quần áo đó có nhãn” OEKO-TEX Standard 100” hay không. Nếu có, thì quần áo đó đã được kiểm tra bởi các phòng thí nghiệm độc lập và được chứng nhận là không chứa hơn 100 chất có hại như:

  • Thuốc nhuộm azo-aniline
  • Phthalates
  • Kim loại nặng
  • Thuốc trừ sâu
  • Thuốc nhuộm gây dị ứng

Cuối cùng, rất nhiều chuyên gia khuyến khích bạn nên giặt quần áo mới trước khi mặc lần đầu tiên, thậm chí nên giặt hai lần. Nếu loại quần áo đó không thể giặt bằng máy, bạn nên chạy qua máy sấy trước khi mặc.

Đôi khi bạn muốn mặc luôn bộ quần áo mới mua ở cửa hàng (nhưng nên suy nghĩ lại nếu đó là đồ lót), hãy nhớ giặt chúng thật cẩn thận khi về nhà.

Rửa tay sau khi đi mua đồ cũng là một ý kiến hay, bởi tay chính là nơi tiếp xúc với rất nhiều hóa chất độc hại có trên quần áo.

Út Em hi vọng bài viết trên đây sẽ giúp nhiều bạn nhận ra rằng “Quần áo mới không có nghĩa là quần áo sạch”. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy nhớ giặt quần áo mới thật cẩn thận trước khi mặc các bạn nhé!

Dịch từ bài viết How Important Is It to Wash New Clothes Before Wearing Them – Tác giả Dr. Mercola – Website Mercola – Dương Thị Giang dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt

Leave a Comment