19 mẹo hay chăm sóc da và tóc trong mùa đông

Mùa đông đã đến, và thời tiết không còn “dễ tính” với mái tóc, làn da, móng tay của chúng ta nữa. Những cơn gió mạnh, không khí khô hanh cùng cái lạnh đến thấu xương dễ khiến làn da và mái tóc bị tổn thương. Không khí lạnh ngoài trời và hơi nóng từ điều hoà nhiệt độ trong nhà đều có thể lấy đi độ ẩm từ các sợi tóc và lỗ chân lông, khiến tóc trở nên khô ráp, còn làn da bị mất độ ẩm và ngứa ngáy. Nhưng chúng ta sẽ không phải chịu đựng bàn tay nứt nẻ thêm nữa, bởi những nguyên liệu đằng sau gian bếp của bạn sẽ chính là cứu cánh cho vấn đề này.

Tiếng nói của cơ thể – Bạn có biết?

Da và tóc không phải chỉ để trông cho đẹp – chúng còn có những chức năng khác nữa. Không lâu trước đây cơ thể con người dần rụng lông, nhưng chúng ta vẫn còn tóc trên đầu để giữ ấm và bảo vệ bộ não khỏi những va chạm đáng tiếc. Làn da không chỉ là lớp ngăn cách giữa môi trường bên ngoài với cơ thể bên trong, nó còn là một cơ quan sống chịu trách nhiệm trong việc làm mát cơ thể, bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh “xâm lược” và thực hiện các quá trình trao đổi chất khác.

Vì vậy, để luôn an toàn và khỏe mạnh, chúng ta cần chăm sóc da và tóc để chúng có thể thực hiện tốt chức năng của mình. Phải thừa nhận rằng việc da bị khô, bong tróc, rát đỏ hay bị viêm là hết sức bình thường trong mùa đông. Tuy nhiên, nếu tình trạng da đỏ, có vảy và ngứa kéo dài hoặc gây ra sự khó chịu nghiêm trọng, bạn nên đến gặp bác sĩ, bởi đó có thể là dấu hiệu của một loại bệnh về da khác nghiêm trọng hơn như viêm da, eczema hoặc nấm da chân. Để tránh mắc phải những vấn đề nghiêm trọng về da, có một số “chiến thuật” sau có thể giúp cơ thể bạn được nghỉ ngơi khi mùa đông đến:

1. Được ngâm mình trong nước nóng khoảng 20 phút quả thực rất tuyệt vời trong một ngày giá rét. Tuy nhiên, chỉ nên tắm với nước ấm hoặc hơi ấm trong 10 phút hoặc ít hơn. Tiếp xúc với nước nóng quá lâu có thể khiến mái tóc và làn da của chúng ta mất đi độ ẩm.

2. Nếu có việc cần đi ra ngoài, nên đội mũ, quàng khăn ấm và đeo găng tay để tránh bị kích ứng da do gió và tiếp xúc quá lâu với không khí lạnh.

3. Nên ưu tiên chọn mua những loại thức ăn giàu chất béo không bão hòa đơn và axit béo omega-3 như cá, các loại hạt, dầu oliu, hạt lanh, cá mòi và bơ.

4. Đồng thời, nên chọn các loại thực phẩm giàu vitamin C như các loại hoa quả họ cam quýt và các loại rau lá màu xanh đậm. Vitamin C có thể giúp cơ thể tăng cường sản sinh collagen, một loại protein giúp nuôi dưỡng làn da và các mô liên kết khác.

5. Uống nhiều nước trong mùa đông cũng là một ý kiến hay, tuy nhiên thực sự vẫn chưa có cơ sở khoa học chứng minh rằng uống nhiều nước có thể lấy lại độ ẩm cho làn da bị bong tróc.

Hãy cùng theo dõi tiếp bài viết dưới đây để biết thêm các phương pháp khắc phục cụ thể và cách ngăn chặn những phiền phức mà mùa đông mang lại – từ việc da đầu bị ngứa đến tình trạng những ngón tay tê cóng và còn nhiều hơn nữa.

Thuận buồm xuôi gió – Kế hoạch hành động của bạn

1. Da khô

kho-da

Để chữa trị làn da cơ thể bị khô, hãy về nhà! Trộn một vài giọt dầu dừa hoặc dầu oliu vào bồn tắm và ngâm mình vào đó. Hoặc bạn cũng có thể thoa một lớp dầu thật mỏng lên da sau khi tắm (và sau đó bạn nên chọn một bộ pyjama đã cũ để mặc đi ngủ). Hoặc, nghe có vẻ lạ, nhưng thêm một vài chén sữa vào trong nước tắm cũng có thể giúp tăng cường độ ẩm cho làn da. Các protein, chất béo và vitamin có trong sữa có thể làm mềm làn da thô ráp. Trong trường hợp dị ứng với sữa do không hợp lactose (một dạng đường có trong sữa), tắm với bột yến mạch có thể giúp làm dịu làn da bị đỏ, kích ứng. Ngay sau khi tắm bằng dầu/sữa/bột yến mạch, nên thoa một lớp kem dưỡng (hoặc thậm chí là các sản phẩm dưỡng da như Crisco hoặc Vaseline cho làn da bị hư tổn nghiêm trọng), sau đó bật máy tạo độ ẩm lên trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, trong vòng ba phút sau khi tắm xong, hãy sử dụng lotion như một cách để “nhốt” độ ẩm hiệu quả.

2. Mũi đỏ ửng

mũi đỏ ửng trong mùa đông

Khi ra ngoài trời, do nhiệt độ thấp nên sự lưu thông của các mạch máu đến mũi giảm. Sau khi vào trong nhà, nhiệt độ cao hơn, các mạch máu lại giãn ra một cách nhanh chóng, gây ra sự dồn máu đột ngột làm mũi đỏ ửng. Để giúp mũi trở lại màu sắc bình thường, bạn có thể để một tấm gạc ấm lên mũi trong vòng vài phút sau khi đi vào nhà. Đôi khi thời tiết giá lạnh cũng có thể khiến cho mũi bị tê buốt và nứt nẻ. Nếu bị sổ mũi, bạn nên dùng khăn giấy mềm thấm nhẹ, không nên chà xát mũi. Bạn cũng nên duy trì việc thoa một lớp mỏng thuốc mỡ hoặc lotion lên những khu vực nhạy cảm này trong ngày.

3. Bàn chân khô ráp và nứt nẻ

Nứt gót chân

Chẳng có gì có thể thể hiện “sự chết chóc của mùa đông” rõ ràng hơn một bàn chân thô ráp với gót chân nứt nẻ. Thay vì đến các trung tâm làm đẹp, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá bằng việc tẩy tế bào chết và dưỡng ẩm cho chân ngay tại nhà. Định kỳ mỗi tuần một lần, trong khi tắm bạn có thể sử dùng đá bọt để làm bong lớp da chết, da sần sùi. Hằng ngày nên dưỡng ẩm cho chân, đặc biệt là gót chân với kem dưỡng ẩm. Các lotion có chứa axit lactic cũng rất hiệu quả để đôi chân được mềm mại. Và luôn nhớ đi tất với chất vải cotton khi đi ngủ. Việc đi tất trong lúc ngủ có thể trông không được đẹp mắt lắm, nhưng việc này có thể giúp các loại kem dưỡng thẩm thấu tốt hơn. Khi chân được giữ ấm, độ ẩm ở chân cũng lớn hơn, và khi đó, việc thoa các sản phẩm dưỡng ẩm lên những vùng da này sẽ mang lại hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, việc đi loại tất len quá ấm có thể làm tăng nhiệt độ toàn cơ thể, đôi khi sẽ khiến bạn khó có được giấc ngủ ngon.

4. Da đầu khô và ngứa ngáy

Ồ không, không phải chấy rận đâu! Tuy nhiên, da đầu khô, lấm tấm vảy gàu thật sự khiến chúng ta cảm thấy khó chịu và mất tự tin. Bước đầu tiên để ngăn ngừa gàu đó là nên tắm gội với nước mát (hoặc hơi ấm), tắm nhanh hơn để rút ngắn thời gian da đầu phải tiếp xúc với nước nóng.

Bạn cũng có thể cân nhắc việc đổi sang dùng dầu gội trị gàu hoặc dầu gội chuyên biệt dành cho da đầu khô. Trước khi tắm, bạn có thể massage da đầu với dầu dừa, vitamin E hoặc dầu oliu. Các loại dầu tự nhiên này có thể phục hồi lớp dầu tự nhiên trên bề mặt da đầu, đồng thời bổ sung độ ẩm cho tóc. Sử dụng dầu cây trà cũng là một phương pháp phổ biến để điều trị các trường hợp nhiễm nấm và vi trùng như vảy gàu, nấm da chân. Ngoài ra, gội đầu và làm sạch da đầu hằng ngày bằng dầu cây trà là một phương pháp tự nhiên để điều trị da đầu khô, ngứa ngáy một cách hiệu quả. Tuy nhiên, đôi khi việc da đầu bị khô và ngứa có thể không phải do thời tiết mà là do các sản phẩm chăm sóc tóc còn sót lại trên da đầu. Với trường hợp này, bạn có thể xả tóc bằng dấm táo để làm sạch phần sản phẩm còn sót lại, sau đó gội đầu với dầu gội thông thường.

5. Đôi môi nứt nẻ

kho-moi-mua-dong

Luôn có sẵn một thỏi son dưỡng trong túi là khởi đầu hoàn hảo cho việc chăm sóc môi trong mùa đông. Tuy nhiên, nhưng cơn gió lạnh buốt có thể khiến tình trạng đôi môi bị nứt nẻ của bạn trở nên cực kỳ tồi tệ. Nếu môi bị bong tróc, bạn có thể dùng một chút kem đánh răng sạch và nhẹ nhàng massage môi để loại bỏ lớp da bị bong. Bạn cũng có thể dùng sáp ong hoặc son dưỡng có chứa lanolin (một loại sáp dầu tự nhiên được chiết xuất từ mỡ lông cừu!) để thoa lên môi và thoa lại nhiều lần trong ngày. Lanolin là một chất dưỡng ẩm tự nhiên có thể làm mềm da và giúp da ngậm nước. Tuy nhiên, nếu việc sử dụng sản phẩm từ động vật khiến bạn cảm thấy không an tâm, có thể thoa một ít shortening (một dạng chất béo thực vật) của hãng Crisco lên môi. Sản phẩm này hoàn toàn từ thực vật và an toàn nếu vô tình nuốt phải. Trong trường hợp đôi môi của bạn quá khô, có thể thoa mật ong hoặc Vaseline lên môi trong vòng 15 phút, sau đó lau sạch bằng miếng vải cotton đã được nhúng vào nước nóng.

6. Móng tay giòn

móng tay giòn

Không khí khô lạnh khiến móng tay bị mất đi độ ẩm, để lại hậu quả là những móng tay yếu và dễ gãy. Để tránh tình trạng này, bạn có thể thoa dầu oliu hoặc lotion có chứa lanolin lên móng trước khi đi ngủ và nên đeo thêm tất tay để giúp các dưỡng chất được hấp thu tốt hơn. Với đấng mày râu, có thể đây chính là lúc để nhờ cậy đến tủ đồ trang điểm của bạn/chị em gái/vợ/bạn gái/mẹ, bởi quét một lớp mỏng sơn móng tay không màu sẽ giúp bảo vệ móng trước sự khắc nghiệt của môi trường. Bên cạnh đó, nên cân nhắc việc bổ sung các loại thực phẩm giàu biotin (hay còn gọi là Vitamin B7), loại vitamin thiết yếu này giúp cơ thể chuyển hóa các loại axit amin và sản xuất các axit béo. Bổ sung các loại rau (như cà rốt và củ cải Thụy Sỹ) và các loại hạt, cá giàu protein là một phương pháp tốt để cơ thể có đủ lượng vitamin cần thiết. Biotin cũng có hiệu quả tương tự khi được sử dụng dưới dạng thực phẩm chức năng.

7. Tóc khô

tóc khô

Trong suốt mùa đông, mái tóc cần được nâng niu, chăm sóc nhiều hơn. Việc gội đầu có thể lấy đi độ ẩm của tóc và da đầu, vì vậy không nên gội đầu quá thường xuyên. Mái tóc của mỗi người khác nhau, vì vậy nếu gội đầu một đến hai lần một tuần là bình thường với bạn, bạn có thể cân nhắc việc giãn thời gian giữa các lần gội đầu. Đồng thời, không nên bỏ qua bước xả tóc – nếu bỏ qua dầu gội, chỉ gội đầu với nước và áp dụng các biện pháp giữ ẩm cũng đủ để giúp cho tóc luôn sạch và không bị khô. Để tránh tóc gãy rụng và các hư tổn khác, nên hạn chế sử dụng máy sấy tóc và chải khi tóc vẫn còn ướt, bởi tóc ướt là lúc tóc nhạy cảm và dễ gãy nhất. Nếu tóc quá khô, bạn có thể chải tóc bằng lược thưa với một vài giọt dầu oliu sau khi tắm.

8. Da tay khô

Những ngón tay tê cóng vì lạnh có thể khiến chúng ta cảm thấy vô cùng khó chịu, nhưng da tay nứt nẻ, đau đớn mới thực sự là điều tồi tệ. Để giúp da tay không bị khô, hãy thoa các sản phẩm dưỡng ẩm sau khi rửa tay và thoa lại ít nhất một vài lần trong ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đặt một lọ lotion ở cạnh bồn rửa mặt ở nhà và một lọ trên bàn làm việc. Nếu đôi tay quá khô, nên sử dụng kem dưỡng ẩm thay vì lotion bởi kem dưỡng có chứa tỉ lệ dầu và nước cao hơn. Khi rửa chén đĩa, bạn cũng nên đeo găng tay cao su để giúp đôi tay không bị khô thêm do tiếp xúc với nước nóng. Và để thực sự mang lại một sức sống mới cho da tay, hãy thoa một lớp kem dưỡng ẩm lên tay trước khi đi ngủ và đeo tất tay chất vải cotton để giúp dưỡng chất thẩm thấu vào da tốt hơn.

9. Tóc bị tĩnh điện

Điều đáng ghét nhất trong mùa đông chính là những sợi tóc bị tĩnh điện, không chịu ở yên trong mũ. Da đầu khô sẽ sản sinh ra ít dầu hơn – chính là nguyên nhân khiến tóc bị tĩnh điện. Luôn nhớ dùng dầu xả và tạo lớp dầu tự nhiên trên da đầu bằng cách thoa một chút dầu vitamin E lên tóc trước khi ngủ để bổ sung độ ẩm. Nếu tĩnh điện là vấn đề chủ yếu, bạn nên thay đổi cách chải tóc của mình. Chải tóc với các loại lược được làm từ lông tự nhiên có thể giúp phân phối đều lượng dầu trên da đầu đến phần tóc còn lại, đồng thời ít gây ra hiện tượng tĩnh điện hơn là chải tóc với lược nhựa. Còn nếu bạn muốn giảm tĩnh điện nhanh chóng, có thể dùng một ít lotion thoa đều lên các sợi tóc hoặc dùng giấy giặt mềm (dryer sheet) xoa nhẹ lên tóc trước khi ra ngoài. Ngoài ra, trong suốt mùa đông, nên sử dụng mũ chất liệu cotton (bởi chất liệu này ít tạo ra hiện tượng tĩnh điện hơn là chất liệu len hoặc hàng dệt acrylic).

10. Khuỷu tay sần sùi, bong tróc

Vùng da ở các khớp nối chịu áp lực lớn như khuỷu tay, đầu gối hay gót chân thường dày hơn, có tác dụng như tấm đệm cho xương. Vì vậy, có vẻ sẽ rất an toàn nếu trên cơ thể có thêm một vài tấm đệm như thế, nhưng nếu “tấm đệm” ấy bị thâm, bong tróc sẽ khiến chúng ta cảm thấy khó chịu và xấu hổ. Chìa khóa để giữ cho vùng khuỷu tay (và những vùng da sần sùi khác) được mềm mại là tẩy da chết một đến hai lần một tuần và dưỡng ẩm hằng ngày. Có thể trộn đều một muỗng đường, một vài giọt dầu oliu và một ít nước chanh để tạo thành hỗn hợp tẩy da chết hiệu quả. Hoặc nếu muốn nhanh hơn nữa, bạn có thể cắt đôi quả chanh ra, cho một ít đường hoặc muối lên trên bề mặt nửa quả chanh và chà xát nhẹ vùng da thô ráp, sần sùi. Sau khi tẩy da chết, rửa sạch với nước và dưỡng ẩm bằng kem dưỡng thích hợp. Nếu tình trạng khô ráp nặng hơn, hãy thoa một lớp mỏng sáp dưỡng ẩm lên khuỷu tay trước khi đi ngủ. Khi da bị ngứa ngáy, có thể ngâm khuỷu tay vào sữa hoặc chườm lạnh. Nếu da dày, tấy đỏ và các mảng trắng không biến mất thì có thể bạn đã bị bệnh vẩy nến. Cuối cùng, nếu tất cả các phương pháp trên không có hiệu quả, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn cách chữa trị thích hợp.

11. Tay chân lạnh

Nếu các đầu ngón tay và ngón chân vẫn bị lạnh cóng dù bạn đã mang tất đầy đủ, bạn phải tìm chiến lược khác thôi. Để cải thiện lưu thông máu đến tay và chân, bạn cần giữ cho vùng ngực được ấm áp với nhiều lớp áo.  Nên tránh đeo trang sức ở những vùng khớp (như tay, mắt cá chân, cổ tay) bởi điều này có thể khiến lưu thông máu gặp khó khăn. Bạn cũng có thể sử dụng cây hương thảo và cây bạch quả để hỗ trợ tăng cường lưu thông máu một cách tự nhiên.

12. Mắt khô, bị kích ứng

Gió lạnh và không khí khô hanh không dễ chịu chút nào với những đôi mắt nhạy cảm. Đeo kính râm vào những ngày không có nắng có thể trông hơi lạ, nhưng thực sự mắt kính có thể bảo vệ đôi mắt khỏi những cơn gió thổi trực tiếp vào mặt. Bạn cũng nên sẵn sàng một lọ nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt bên cạnh và dùng nó để lấy lại độ ẩm cho mắt khi cần. Và nên tránh dụi mắt, bởi sẽ làm mắt bị kích ứng.

13. Kích ứng da do ra ngoài gió

Có lẽ cần thấy ngưỡng mộ những người vẫn thích ra ngoài dù ngoài trời có đang rét căm căm. Bạn có thể bảo vệ làn da nhạy cảm bằng cách thoa một lớp kem dưỡng da mặt với chỉ số SPF cao – bởi cháy nắng vào mùa đông còn tồi tệ hơn cả bị kích ứng da do gió lạnh. Trong trường hợp cần thiết, nếu những vết kích ứng màu đỏ không biến mất, có thể thoa một lớp mỏng kem hydrocortisone 1% lên những vùng da bị kích ứng. Loại kem này có chứa steroids có thể làm giảm viêm và ngăn chặn ngứa ở vùng da được thoa kem.

14. Da mặt khô

Thật không may (nhưng không thể tránh khỏi) là những vùng da nhạy cảm nhất trên cơ thể lại luôn phải đối diện trực tiếp với các tác nhân có thể gây hại cho chúng. Hãy chắc chắn rằng mùa đông này, bạn sẽ dành thời gian để yêu thương, nâng niu da mặt của bạn hơn một chút. Trước tiên: trong suốt mùa đông, bạn nên tránh các sản phẩm dành cho mặt có chứa cồn và đổi sang một loại sữa rửa mặt dịu nhẹ hơn, cùng một sản phẩm có khả năng dưỡng ẩm cao hơn (như dầu dừa, sữa chua). Quy trình chăm sóc sẽ như thế nào? Hãy rửa mặt một tuần một lần bằng sữa chua Hy Lạp. Nghe có vẻ lạ, nhưng acid lactic có trong sữa chua có tác dụng tẩy da chết một cách nhẹ nhàng mà không gây mòn da. Về mặt nạ dưỡng ẩm cho da, bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm các nguyên liệu từ gian bếp: chuối, bơ, lòng đỏ trứng và sữa đều có thể là những phương pháp cực hữu hiệu để dưỡng ẩm cho da. Một gợi ý tuyệt vời nữa là tất cả các loại ngũ cốc và rau thơm có chứa selenium – một hợp chất giúp tăng cường độ đàn hồi cho da  – có thể giúp cho da trở nên căng mượt hơn. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng hạt diêm mạch (quinoa), gạo nâu, hành hoặc tỏi nếu cảm thấy làn da bị khô căng.

(Nguồn Greatist – Dương Thị Giang – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment