Trò chuyện với trẻ từ 8 đến 12 tháng tuổi

Út Em chào các mẹ.

Ở giai đoạn từ 8 đến 12 tháng tuổi, bé con của mẹ có thể đã nói được những từ đầu tiên như “mạ-mạ”, “mama” và “ba-ba”.

Trong những tháng này, bé con sẽ chủ yếu giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể như chỉ trỏ hoặc lắc đầu.

Bé thậm chí sẽ chú ý hơn tới những từ ngữ và cử chỉ của mẹ, đồng thời em cũng cố gắng bắt chước, vì vậy mẹ và người lớn trong nhà phải thật cẩn thận với những điều mình phát ngôn nhé!

Trước khi đi vào nội dung chính, chúng ta sẽ thực hiện khảo sát nhỏ dưới đây nha:

Bố bé có hay trò chuyện với bé không?

Trẻ từ 8-12 tháng tuổi giao tiếp như thế nào?

Mẹ có thể hình dung ở độ tuổi này, các em sẽ thể nghiệm kỹ năng ngôn ngữ giống như là mình đang chuẩn bị cho một sự kiện lớn khi lần đầu tiên các bạn ấy được nói trước công chúng vậy.

trò chuyện với bé từ 8 đến 12 tháng tuổi

Từ những chuỗi nguyên âm như “babababa”, các con sẽ bắt đầu tạo nên các âm tiết dễ dàng được nhận diện như “ga”, “ba”, và “da”.

Đặc biệt khi nhìn thấy bố mẹ mình rất chi là hào hứng khi nghe em gọi “ba-ba”, “ma-ma” hay “mạ-mạ”, các em sẽ sớm học được cách kết nối một từ với ý nghĩa của nó.

Thậm chí trước khi trẻ có thể nói, trẻ thường giao tiếp thông qua cử chỉ – chỉ trỏ, lắc đầu ý nói “không” và vẫy tay chào tạm biệt bye bye. Những biểu hiện này cho thấy khả năng giao tiếp, sự hiểu và khả năng phản hồi lại ngôn ngữ ở các em.

Mẹ có thể biết bé có hiểu điều mình nói hay không khi mẹ hỏi “Ba đâu rồi con nhỉ?” và quan sát thấy bé nhìn theo hướng của ba. Hoặc khi mẹ chỉ và nói “Cưng tìm quả bóng màu xanh đi”, rồi thấy cô/cậu ta đang lò dò bó tới chỗ quả bóng đó.

Ở lứa tuổi này, bé nên phản ứng tốt khi ai đó gọi tên của mình, bé nên có thái độ dè chừng khi mẹ nói dứt khoát “KHÔNG”.

Cho đến khi bé được một tuổi, bé sẽ thực hiện được những đề nghị đơn giản từ mẹ như vẫy tay tạm biệt bye-bye, chơi trò “ú-òa”, nói “baba”, “mạ-mạ”,…hoặc bi ba bi bô những chuyển điệu trong các câu nói điển hình.

Mẹ nên làm gì?

Hãy tiếp tục trò chuyện với con bằng cách sử dụng tên gọi cũng như các trò chơi lặp từ.

Mẹ hãy bảo con chỉ vào những đồ vật quen thuộc và hỏi “Cốc đâu rồi con?” hoặc chỉ vào một quả bóng rồi hỏi “Đây là gì hả con?” Hãy dừng lại giây lát trước khi mẹ nhận được câu trả lời. Mẹ sẽ thấy bé đang chỉ tay và nói “bó-n…?”như thể bé đang đưa ra một câu hỏi xác nhận với mẹ vậy.

Việc gọi tên các đồ vật trong ngày sẽ tăng cường khả năng chuyển tải thông điệp cho bé hiểu rằng mọi thứ trên đời đều có một cái tên.

Từ món sữa vào buổi sáng cho đến chú gấu teddy bé âu yếm ban tối, việc gọi tên những đồ vật thân quen sẽ giúp con học được chúng được gọi như thế nào.

Những thông tin này sẽ được lưu trữ trong đầu các cô/cậu để các em sau này có thể hình thành nên được những từ đúng.

Hãy biến việc học ngôn ngữ thành một trải nghiệm của toàn bộ cơ thể: Mẹ chạm vào ngón chân cái của bé rồi mẹ nói “Ngón chân cái”. Hoặc chỉ vào tai và nói “Tai của mẹ, tai của ba”.

Hãy nhìn vào khuôn mặt bé khi bạn nói để các con có thể nhìn thấy biểu hiện cơ mặt và sự chuyển động của đôi môi.

Hãy tạo ra tính nhạc và thường xuyên hát cho bé nghe để khích lệ việc học hỏi ngôn ngữ.

Bằng cách lắng nghe các từ, bé có thể học cách nhận diện và lặp lại chúng.

Hãy sử dụng những cử chỉ bằng tay và thay đổi phong cách cũng như nhịp độ của âm nhạc để lôi kéo sự chú ý của bé.

Bé con sẽ dễ phản hổi lại những vần điệu, điều thể hiện rằng ngôn ngữ thật sự là một trò chơi vô cùng thú vị để chơi đùa.

Hãy đọc cho con nghe những cuốn sách khổ lớn có tranh ảnh sống động, đồng thời khích lệ con lật giữa các trang. Hãy cho con có cơ hội được “đọc” và “trả lời” những câu hỏi của mẹ.

[adinserter block=”12″]

Mẹ cần lưu ý điều gì?

Cho đến khi bé được 12 tháng tuổi, bé thường:

  • Phản hồi lại với “Không”
  • Thực hiện những yêu cầu đơn giản
  • Sử dụng các cử chỉ giản đơn, như chỉ trỏ hoặc lắc đầu
  • Nói mạ-mạ, ba-ba

Phát triển ngôn ngữ ở trẻ là một lĩnh vực rất rộng. Nếu mẹ lo ngại điều gì về kỹ năng ngôn ngữ cũng như khả năng nghe của con, mẹ hãy liên hệ với bác sỹ nhé!

(Dịch từ bài viết Communication and your 8 -12-month old – Website Kidshealth, Nguyễn Thị Thu Hằng dịch, Út Em Shop sở hữu nội dung Tiếng Việt)

Leave a Comment