Giấc ngủ của trẻ từ 1 đến 2 tuổi

Út Em chào các mẹ.

Những cô bé, cậu bé chập chững ở tuổi này đang ngày càng nhận thức hơn về mọi thứ xung quanh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các em dễ xao nhãng trước giờ đi ngủ. Đó là còn chưa kể trí tưởng tượng phong phú trong các em hoàn toàn có thể làm gián đoạn giấc ngủ.

giấc ngủ của trẻ từ 1 đến 2 tuổi

Hơn bao giờ hết, ở thời điểm này thói quen nhất quán và giản đơn chính là giải pháp hữu hiệu mà bố mẹ có thể áp dụng để giấc ngủ của trẻ từ 1 đến 2 tuổi được đảm bảo và chất lượng.

Giấc ngủ của trẻ từ 1 đến 2 tuổi nên kéo dài bao lâu?

Ở giai đoạn từ 1 đến 2 tuổi, hầu hết các em cần từ 12 đến 14 tiếng ngủ mỗi ngày bao gồm 1 hoặc 2 lần chợp mắt vào ban ngày.

Trong vòng 18 tháng tuổi, hoặc có thể sớm hơn, từ 2 lần chợp mắt, các em có thể chỉ cần ngủ thêm 1 lần vào buổi chiều.

Nếu thấy em của mẹ có vẻ không dễ đi ngủ vào buổi sáng thì có thể em bé thích hợp và sẵn sàng cho việc ngủ buổi chiều hơn.

Trẻ nên ngủ ở đâu?

Trẻ từ 1 tới 2 tuổi vẫn nên cho nằm trong một chiếc cũi an toàn. Trước khi bé được 1 tuổi, các chuyên gia khuyến nghị không để chăn trong cũi của trẻ bởi khả năng gây ra hội chứng đột tử cao ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn này.

Tuy nhiên từ 1 tuổi trở đi, những chiếc chăn mỏng, nhẹ và các đồ dùng nhỏ nhắn, xinh yêu có thể hữu ích, góp phần giúp các em thoải mái chìm vào giấc ngủ.

Các mẹ cũng lưu ý, dù là đồ chơi mềm nhưng có kích thước lớn như các con thú nhồi bông, mẹ cũng đừng đặt trong cũi.

Ngoài ra mẹ cũng cần để ý các đồ có mấu nối hoặc bằng dây có thể quấn vào cổ em bé.

Cũng vậy, hãy luôn coi chừng các vận dụng ở gần đó hoặc trong tầm với của trẻ như rèm, dây cửa sổ, tranh ảnh, đồ treo tường,…

Các em bé từ 1 đến 2 tuổi thường luôn tìm cách trèo ra khỏi cũi với nỗ lực “tẩu thoát”. Do đó mẹ nhớ đừng để quá nhiều đồ chơi ở trong cũi vì các bạn ấy rất thông minh, có thể chồng chúng lên nhau rồi đứng ở trên đó, nhất là với đồ nhồi bông, món đồ ấy sẽ nhanh chóng trở thành một cái bậc để em đứng cao lên.

Nếu mẹ có một em bé năng động luôn tìm cách “trốn thoát” khỏi cũi, hãy đảm bảo nệm trong cũi ở vị trí thấp nhất có thể.

Nếu làm vậy mà em vẫn cứ cố trèo ra ngoài, hãy xem xét việc chuyển em vào trong một loại giường dành cho lứa tuổi này với các thanh chắn bên cạnh.

Ban đầu thật khó để giữ yên các em trong cũi nhưng ít ra mẹ có thể yên tâm là em được an toàn, không bị làm đau nếu không may trèo ra ngoài.

Để an toàn hơn, mẹ nên trang bị thêm một thanh chắn nganng tại cửa ra vào của phòng để em không tự do tha thẩn quanh nhà lúc không có người lớn canh chừng.

Hãy chắc rằng phòng ngủ của các em là một nơi an toàn, giảm thiểu rủi ro các tai nạn xảy ra tại nhà có khả năng khiến các em bị tổn thương tới mức tối đa.

Giấc ngủ của trẻ từ 1 đến 2 tuổi có bị gián đoạn lúc nửa đêm không?

Các bạn ở tuổi đang tập đi này có thể bắt đầu thức giấc giữa đêm vì một vài lý do.

Các em có thể bị đau do mọc răng hoặc bị ốm. Các em cũng có thể gặp phải tình trạng bối rối khi phải “cách ly” bố mẹ nên hoang mang không biết mẹ hay bố mình đi đâu.

Những giấc mơ về đêm, những cơn ác mộng cũng khiến em các em trải qua một tình trạng khó khăn khi không biết phân biệt đâu mới là thực.

Vì thế bố mẹ cần lưu tâm tới thời gian xem TV cũng như thể loại sách của em trước giờ đi ngủ. Hãy luôn đảm bảo nội dung tiếp cận đến các em thật nhẹ nhàng. Nếu em không có những đồ chơi nhỏ xinh, mẹ nhớ kiếm cho em một hai món nào đó để giúp em được yên tâm và sẻ chia.

Hãy xem xét tiếp đến các yếu tố môi trường xung quanh có thể là nguyên nhân làm em tỉnh dậy lúc nửa đêm.

Ngoài ra, các em cũng thường hay đẩy chăn ra khỏi người, vì vậy trong những ngày trời lạnh, mẹ nên lưu ý mặc cho em những bộ đồ dày dặn, ấm áp để giữ ấm cho em.

Mẹ cũng để ý xem liệu có quá nhiều tiếng ồn từ các phòng quanh đó hay không? Tuy các em ở độ tuổi này có thể tự lập với giấc ngủ của mình dù có tiếng ồn, nhưng sẽ thật phiền hà khi tiếng TV mở to quá hoặc có quá nhiều cuộc nói chuyện quanh đấy.

Do đó mẹ hãy lường trước tất cả các tình huống trên. Hãy đặt mình vào vị trí của con, nếu mẹ cảm thấy đó là một nơi để có được giấc ngủ tròn đầy đối với chính mẹ thì nhiều khả năng mẹ sẽ tạo ra được một không gian ngủ thật êm ái cho con.

[adinserter block=”12″]

 Vỗ về giấc ngủ của trẻ từ 1 đến 2 tuổi

Cho tới giờ, có thể mẹ đã tìm ra được những cách kết hợp phù hợp như tắm nước ấm và kể chuyện cho em nghe trước giờ đi ngủ để em được thư thái.

Mẹ nhớ duy trì thói quen này nhưng đừng kéo dài thời gian quá lâu.

Xoa nhẹ vào lưng em nghe có vẻ hợp lý nhưng có lẽ không còn thú vị nữa nếu em cứ “yêu cầu” thực hiện nó hàng đêm trong một giai đoạn dài.

Mẹ hãy quyết định mẹ sẽ cho em uống bao nhiêu nước và bao nhiêu lần mẹ sẽ lấy lại đồ chơi bị ném ra khỏi cũi bởi vì em thể hiện thái độ chống đối không muốn đi ngủ.

Mẽ cần làm quen với các nguyên tắc và nhất quán với chúng. Điều này không chỉ hữu ích cho giấc ngủ của con trẻ mà còn giúp mẹ sau này đối trị với các vấn đề vi phạm nguyên tắc nghiêm trọng hơn của các con.

Khi bé nhà mẹ thức dậy lúc nửa đêm, mẹ có thể muốn em được an lòng rằng mọi thứ đều ổn cả và có mẹ ở đây rồi, mẹ luôn ở gần con.

Tuy nhiên nếu quá nhiều sự tương tác ở thời điểm đó có thể lại phản tác dụng. Vì vậy mẹ hãy cố gắng để những lần “gặp gỡ” này diễn ra nhanh chóng hoặc thậm chí khiến em cảm thấy nhàm chán để em sớm quay lại với giấc ngủ.

Nếu có người dậy sớm, mẹ nhớ để ý đừng để ánh sáng mặt trời làm em thức dậy bằng cách buông rèm hoặc đóng mành cửa. Ngoài ra, mẹ có thể đặt vài món đồ chơi an toàn trong cũi để em luôn luôn bận rộn mỗi sáng.

Khi nào mẹ cần liên hệ với bác sỹ?

Đôi khi các vấn đề về giấc ngủ của trẻ từ 1 đến 2 tuổi đòi hỏi ở mẹ nhiều kỹ năng và sự kiên nhẫn, chẳng hạn như những cơn ác mộng cứ xảy ra liên miên, vậy nên nếu có bất kỳ lo ngại nào, mẹ hãy cùng bác sỹ thảo luận nhé!

(Dịch từ bài viết Sleep and your 1-2-year-old – Website Kidshealth – Nguyễn Thị Thu Hằng dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung Tiếng Việt)

1 thought on “Giấc ngủ của trẻ từ 1 đến 2 tuổi”

  1. Cho e hỏi bé nhà e 17 tháng nhưng ngày ngủ rất ít trưa lại không chịu ngủ mà tối lại đi ngủ muộn đêm nào cũng 10g mới chịu đi ngủ e đã tìm đủ mọi cách để dỗ cho bé ngủ nhưng đều thất bại, có cách nào để bé chịu ngủ không ạ

    Reply

Leave a Comment