Những tác dụng bất ngờ của nghệ

Là thành phần chính không thể thiếu trong món cari, nghệ là cây thân thảo lâu năm thuộc họ gừng và là thổ sản của vùng đông nam Ấn Độ. Củ nghệ có thể được cạo vỏ để dùng tươi hoặc phơi khô, nghiền thành bột.

 Với hương vị đặc trưng gắn với đất mẹ, đượm chút cay nồng, nghệ đóng vai trò chính trong các phương thuốc cổ truyền của người Trung Hoa từ 4000 năm trước đây để điều trị các bệnh về dạ dày, cải thiện lưu thông máu và làm lành các vết thương.

củ nghệ

Đã có không ít các cuộc nghiên cứu về tính chất chữa lành của nghệ như một tín hiệu đáng mừng về một phương pháp thiết yếu đến từ loại cây thảo mộc mạnh mẽ này có thể được ứng dụng trong y tế giúp phòng ngừa nhiều loại bệnh. Curcumin – một trong những hợp chất năng động quan trọng nhất được tìm thấy trong củ nghệ được biết đến với tính năng chống viêm nhiễm, chống oxi hóa, chống khuẩn, chống nấm và chống virut.

Trên cả những lợi ích nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, nghệ còn phát huy tác dụng hiệu quả trên làn da. Hãy cùng Út Em Shop khám phá những điều kỳ diệu của củ nghệ, đặc biệt là chất curcumin trong việc làm đẹp da cũng như duy trì sức khỏe của bạn.

Chữa lành nhanh

Trong khi có nhiều cuộc nghiên cứu hiệu quả làm lành vết thương của củ nghệ trên động vật thì cũng có một thử nghiệm lâm sàng khác tiến hành trên người chỉ ra rằng củ nghệ thực sự đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương. Thử nghiệm này được áp dụng đối với một số phụ nữ sinh mổ. Đối tượng trên được chia làm 3 nhóm: sử dụng kem nghệ, sử dụng giả dược và nhóm kiểm soát. Thước đo REEDA về nốt đỏ, chứng phù nề, vết bầm máu, chảy mủ và phép tính xấp xỉ đo lường độ mở của vết thương hở đã được dùng để đánh giá mức độ trầm trọng của vết thương hậu phẫu. Điểm số REEDA càng thấp có nghĩa là vết thương đang được chữa lành tốt.

Bạn không cần phải quá quan tâm tới các dữ kiện khoa học mà chỉ cần biết rằng kết quả của nghiên cứu cho thấy phụ nữ được điều trị bằng nghệ có điểm số REEDA là 0,46 sau 7 ngày (so với 0,88 ở nhóm dùng giả dược và 1,77 ở nhóm kiểm soát). Trong 2 tuần, nhóm dùng nghệ đạt điểm số REEDA là 0,03 trong khi ở các nhóm còn lại lần lượt là 0,22 và 0,36. Tới đây, Út Em Shop tin rằng bạn đã có kết luận cho riêng mình về tác dụng làm lành vết thương của củ nghệ.

Đẩy lùi da dầu

Để tránh da trở nên quá khô, dầu được tuyến bã nhờn tiết ra để lớp biểu bì giữ lại độ ẩm làm da mềm mượt. Đối với trường hợp da tiết dầu quá mức, thường là do tuyến bã nhờn hoạt động rất mạnh dẫn tới mụn, u nang và các vấn đề khác về da.

Để đánh giá tác động của kem nghệ đối với sự sản xuất dầu trên da, một nghiên cứu vào năm 2012 đã nhận thấy sau 4 tuần điều trị có một sự suy giảm tích cực lớp dầu trên da khi sử dụng nghệ 2 ngày 1 lần. Qua 3 tháng sử dụng kem nghệ, lượng dầu thừa trên mặt đã giảm tới 25%. Các nhà nghiên cứu cho biết sở dĩ có tác dụng như vậy là do nghệ chứa axit béo và phytosterol (hoạt chất thuộc nhóm Sterol nguồn gốc thực vật), đã được quan sát ở các nghiên cứu khác cho thấy có tác dụng giảm dầu thừa trên da.

Bảo vệ khỏi tác động của ánh nắng mặt trời

Một nguyên nhân chính của sự lão hóa sớm ở da là do việc phơi mình dưới ánh nắng mặt trời khiến da gặp phải các vấn đề như nếp nhăn, sạm da, tàn nhang, đàn hồi kém và xuất hiện các mạch máu “mạng nhện” dưới da.

Bên cạnh những biện pháp chống nắng giúp bảo vệ bạn khỏi tác động của ánh nắng mặt trời thì bạn có biết nghệ cũng có tác dụng phòng chống những bất lợi của tia cực tím UVB? Một thí nghiệm đã sử dụng những chú chuột không có lông cho phơi nắng trong một thời gian dài, dưới các tia UVB liều thấp, đồng thời thoa chiết xuất nghệ 2 lần 1 ngày. Thông thường, nếu chịu tác động của tia UVB, da sẽ trở nên dày hơn, xuất hiện nhiều nếp nhăn với những sự thay đổi ở sắc tố da, mạch máu lớn hơn, mất tính đàn hồi. Tuy vậy, những chú chuột trong cuộc thí nghiệm này lại không gặp phải các vấn đề nêu trên.

Tại sao nghệ lại hoạt động tốt như vậy? Nguyên nhân là do bức xạ có khả năng gia tăng hoạt động của matrix metalloproteinase-2 (MMP-2), một enzim mà khi bị tác động, góp phần phá hủy collagen giữa lớp ngoài, lớp giữa của da, trong khi đó, nghệ lại chứa các yếu tố có khả năng kiềm chế MMP2, vì thế giúp da phòng chống được sự tổn thương do ánh nắng mặt trời.

Chống lão hóa

Các nhà khoa học tin rằng lão hóa không phải là một cơ chế sinh học mang tính cố định và gen không phải được lập trình để thúc đẩy quá trình lão hóa. Hơn thế, tuổi sống được kiểm soát bởi gen có chức năng điều chỉnh cơ chế trao đổi chất, sửa chữa DNA, hệ thống chống oxi hóa và tế bào chết. Lão hóa là dấu hiệu của sự suy giảm bản thân hệ thống và theo thời gian, các lỗi ngẫu nhiên xảy ra ở sự tái tạo DNA dẫn tới sự tích tụ các tế bào lão hóa và sự tổn thương ở các mô. Các thuyết đương đại về nguyên nhân lão hóa liên hệ tới những tổn thương mãn tính gây ra rối loạn protein, tế bào, cơ quan chức năng cũng như sự dư thừa các gốc tự do tấn công tế bào và các mô liên kết.

Bởi vì các tính chất chống oxi hóa và chống viêm tích cực, một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất curcumin trong nghệ có khả năng kháng lại các tác động của lão hóa và các bệnh liên quan đến tuổi tác. Một nghiên cứu đã quan sát thấy côn trùng khi được nuôi sống bằng curcumin có tuổi thọ cao hơn đáng kể. Một nghiên cứu khác, được xuất bản trên Ấn phẩm “Sự miễn dịch và lão hóa” cho biết nghệ rất an toàn và là thành phần hàng đầu giúp phòng chống lão hóa.

Những thử nghiệm lâm sàng khác cũng đưa ra các kết quả tương tự. Điển hình là hai nghiên cứu trên Tập san của Viện da liễu Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 2010 đã chỉ ra việc sử dụng kem dưỡng ẩm chứa nghệ 2 lần mỗi ngày trong vòng 8 tuần có tác động thu nhỏ các đốm da đậm màu và làm giảm nếp nhăn một cách mạnh mẽ. Những đốm đen và sự thay đổi sắc tố da cũng giảm tới 15%.

Chống ung thư da

Chất curcumin cũng được ghi nhận như một biện pháp chống ung thư đặc biệt, có khả năng giết chết các tế bào ung bướu một cách có chọn lọc trong khi không gây tác hại tới các tế bào bình thường. Đây được coi là một kỳ tích mà các phương pháp chữa trị hóa học truyền thống không làm được. Thêm nữa, thành phần curcumin còn có khả năng phòng chống các tế bào tiền ung thư trở thành ung thư.

Chiết xuất curcumin được cho là rất tiềm năng trong việc điều trị ba loại ung thư da là Khối u sắc tố (melanoma), ung thư tế bào đáy (basal cell carcinoma) và ung thư tế bào vảy (squamous cell carcinoma).

Trong một nghiên cứu vào năm 1998, curcumin được biết là có khả năng tạo apoptosis (được hiểu là sự tự chết theo chu trình tế bào) giúp cơ thể loại bỏ những tế bào không còn cần thiết, hoặc các tế bào bị tổn thương, sai hỏng mà có thể dẫn tới ung thư, giúp cho cơ thể luôn khỏe mạnh. Thêm vào đó, nghiên cứu cũng lưu ý chất curcumin hoạt động như một chất phòng ngừa ung thư da khiến cho tế bào ung thư không hình thành. Một nghiên cứu khác về tác động của curcumin trên khối u sắc tố melanoma cho thấy sự chặn đứng tính di căn của tế bào ung thư đối với mô xung quanh và đồng thời hủy diệt tế bào melanoma. Và gần đây, một nghiên cứu vào năm 2011 trên ung thư tế bào vảy cho biết curcumin có tác dụng kiềm chế kích thước và tiến độ tăng trưởng của tế bào ung bướu.

Điều trị các vấn đề da kinh niên

Chất curcumin được chỉ ra là hoàn toàn hiệu quả trong việc làm dịu các triệu chứng eczema, bệnh vảy nến, bệnh xơ cứng bì, bệnh rosacea (chứng mặt đỏ) và các bệnh về da khác. Mặc dù các nguyên nhân có thể rất đa dạng nhưng nhìn chung, chúng đều gây ra các vấn đề viêm da.

Với khả năng ngăn cản một số phân tử gây viêm, curcumin có tác dụng ngăn chặn NF-Kb, một phức hợp protein liên quan tới phản ứng của tế bào đối với những kích thích bên ngoài như stress, gốc tự do, bức xạ ultra và sự phân bào. Nó cũng góp phần điều chỉnh phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với bệnh truyền nhiễm. Một NF-kB quá năng động có liên quan tới bệnh viêm và các chứng bệnh tự miễn dịch, ung thư, nhiễm virut và thói nghiện ngập.

Chất curcumin không chỉ làm dịu chứng viêm trong quá trình viêm nhiễm mà còn bảo vệ da do khả năng cải thiện tình hình sản xuất collagen trong khi đánh bại các gốc tự do. Và bởi vì nó hoạt động rất hiệu quả trong việc làm lành vết thương nên cũng rất hiệu quả đối với các vấn đề về da như khô da, phát ban, vảy nến, sưng tấy, và kích ứng bởi đặc tính gia tăng sự hình thành tế bào liên kết và thúc đẩy tuần hoàn máu.

Cách sử dụng nghệ hiệu quả

Để có được chế độ chăm sóc sức khỏe đúng đắn và nâng cao sự cảm nhận cũng như sự tự tin của bạn về làn da cũng như vẻ bề ngoài, hãy đưa nghệ vào trong cuộc sống của bạn thông qua các phương pháp sau đây:

1. Viên uống

viên uống nghệ

Chiết xuất dưỡng chất của củ nghệ và cô lại vào trong viên nang sẽ tạo thành một loại thực phẩm bổ sung có khả năng cung cấp thành phần curcumin lên tới 95% cho cơ thể của bạn. Đây được xem như một sự đầu tư đem lại nhiều lợi nhuận. Để chất curcumin hấp thu vào cơ thể một cách hợp lý, bạn nên dùng chung với tiêu đen hoặc hoạt chất piperine có trong hồ tiêu. Khi đi shopping, hãy tìm kiếm các nhãn hiệu có công thức Bioperine (Chiết xuất tiêu đen) bạn nhé!

2. Thực phẩm

bổ sung nghệ bằng thực phẩm

Có lẽ cách thú vị nhất để sử dụng nghệ là trong việc chế biến món ăn. So với viên nang, hàm lượng curcumin trong gia vị bột nghệ hay củ nghệ tươi thấp hơn khoảng 3.14%, do vậy bạn nên sử dụng nghệ ở nhiều món ăn để đạt được lợi ích đầy đủ đối với làn da và sức khỏe tổng thể của bạn.

Liều lượng nghệ sử dụng trong nấu nướng là 1,5 tới 3g mỗi ngày đối với củ nghệ tươi và 400-600mg (3 lần/1 ngày) đối với tinh bột nghệ. Bạn có thể pha trộn bột nghệ trong đồ uống, thêm vào súp hoặc các món hầm, rắc lên trên các món ăn, pha trà nghệ, làm nước sốt thịt,…Bạn nên mua gia vị nghệ hữu cơ ở các cơ sở uy tín hoặc nếu có thể thì tự mình trồng .

Khi nấu nướng có sử dụng nghệ, hãy luôn cho tiêu đen hoặc các chất béo có lợi như dầu dừa để gia tăng khả dụng sinh học và cải thiện sự hấp thụ của cơ thể. Ngoài ra, bạn cần lưu ý, nghệ rất dễ mất chất khi nấu nướng ở nhiệt độ cao. Nấu nghệ trong khoảng 15 phút cũng đủ phá hủy 85% hàm lượng curcumin, vì thế tốt nhất hãy bổ sung nghệ sau khi bạn bỏ đồ ăn ra khỏi bếp. Curcumin cũng bị tác động khi phơi dưới ánh sáng trong một thời gian dài, vì thế nên cất trữ bột nghệ ở trong lọ mờ/đục, đậy nắp kín, để ở nơi thoáng mát.

3. Mặt nạ

mặt nạ nghệ

Dùng nghệ trực tiếp trên da mặt và cơ thể sẽ giúp thông thoáng làn da và tăng cường độ ẩm. Bạn có thể mua kem nghệ hoặc tự mình làm lấy.

Khi sử dụng mặt nạ nghệ cho da, hãy luôn để da khô và lớp nghệ cứng lại trong khoảng 30 phút trước khi rửa lại mặt. Sau đây là một số công thức tuyệt vời bạn có thể tham khảo:

  • Mặt nạ đa năng: 1 thìa bột nghệ + 1 thìa mật ong + 1 thìa sữa tươi hoặc sữa chua không đường
  • Da mụn: 1 thìa bột nghệ + 1 thìa đậu xanh + 1 thìa nước cốt chanh + 1 chút nước
  • Da dầu: ½ thìa bột nghệ + 1 thìa bột đậu besan (của Ấn Độ) + một chút nước
  • Kem dưỡng ẩm: ½ thìa bột nghệ + 1 thìa nước hoa hồng + 1 thìa kem tươi
  • Tẩy da chết: 1/3 thìa bột nghệ + 1 lòng trắng trứng + 1 thìa yến mạch

Trước khi sử dụng kem nghệ, bạn cần lưu ý: Kem nghệ có xu hướng nhuộm da tạm thời. Dù không phải mọi người đều bị như vậy, song để chắc chắn bạn nên thử thoa kem nghệ lên một điểm kín đáo nào đó trên cơ thể và quan sát phản ứng của da. Nếu nhận thấy kem nghệ để lại màu trên da, bạn hãy lau với nước hoa hồng hoặc nhẹ nhàng cọ da với đường và nước. Bạn cũng có thể lấy bông tẩy trang thấm nước để làm sạch chỗ da màu vàng do kem nghệ. Ngoài ra, cũng nên lưu ý thật cẩn thận khi sử dụng kem nghệ, bột nghệ hay nghệ tươi vì tính bám màu trên quầu áo, các sợi vải có thể để lại vết ố bạn nhé.

(Theo naturallivingideas – Nguyễn Thị Thu Hằng dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung Tiếng Việt)

Leave a Comment