Một số lo lắng phổ biến của mẹ khi cho con bú

Út Em chào các mẹ.

Cho bé bú luôn nằm trong các chủ đề được các mẹ sinh con lần đầu thắc mắc nhiều nhất, vì điều này liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển thể chất của bé.

Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu thật chi tiết nhé.

Có ổn không khi trẻ nôn trớ sau bú?

Thỉnh thoảng, trẻ nôn trớ khi các bé:

  • Bú quá nhiều
  • Ợ (hiện tượng trớ điển hình)
  • Chảy nước dãi

Nhiều bé sẽ nôn trớ sau vài lần mà cũng có thể ở tất cả các lần cho ăn hoặc trong khi đang được vỗ về bởi vì hệ tiêu hóa của bé con chưa hoàn thiện. Điều này là hoàn toàn bình thường mẹ nhé!

Miễn là bé lớn và tăng cân đều và có thể không quá căng thẳng với chuyện nôn trớ thì mẹ cũng đừng quá lo lắng.

lo lắng phổ biến khi mẹ cho con bú

Lượng trớ trông thì có vẻ nhiều nhưng thực tế cũng không đáng ngại. Tuy nhiên mẹ cũng nên hiểu nôn trớ khác với nôn hết tất cả sữa mẹ bé đã bú.

Nếu bạn quan ngại tình trạng bé nôn có vẻ nghiêm trọng, hãy liên lạc ngay với bác sỹ. Cố gắng theo dõi chính xác mức độ thường xuyên và lượng bé nôn hoặc trớ.

Trong những trường hợp hiếm xảy ra, có thể bé bị dị ứng, có vấn đề về tiêu hóa hoặc những vấn đề khác cần sự can thiệp y tế.

Bác sỹ có thể sẽ cho bạn biết trường hợp của bé có bình thường hay không, hoặc có một nguyên nhân nào đó đặc biệt hơn đằng sau.

Nếu bác sỹ nói hiện tượng bé nôn trớ là bình thường thì sau đây là vài điều mẹ có thể thực hiện để làm dịu tình hình:

  • Vỗ về bé khi bé bú xong một bên ngực, hoặc sau mỗi lần ăn khoảng 1 đến 2 ounces sữa (29,57 – 59,14ml). Đôi khi chia nhỏ những bữa ăn sẽ hiệu quả hơn là cho ăn cùng một lượng tại một thời điểm.
  • Để bé ở tư thế thẳng sau ăn – ôm bé là tốt nhất, nên lưu ý tư thế của bé đặt trong ghế của trẻ em có khể khiến bé nôn trớ nhiều hơn.
  • Đừng đung đưa, nhún nhảy hoặc chơi với bé ngay sau ăn.
  • Giữ đầu của bé thẳng ngay trên chân lúc cho ăn (nói cách khác, không ôm bé ở tư thế dốc xuống).
  • Nâng đầu nôi hoặc cũi lên. Cuộn vài cái khăn tay hoặc chăn nhỏ hoặc các hộp được thiết kế đặc biệt đặt phía dưới (chứ không phải ở trên) đệm. Không sử dụng gối đặt dưới đầu bé. Hãy chắc rằng đệm không bị gấp ở giữa, với độ thoải vừa phải để bé không bị trượt xuống.

Nếu bé bú bình hoặc uống thêm sữa ngoài:

  • Không cho bé bú khi bé đang nằm sấp.
  • Phải đảm bảo lỗ châm ở núm vú có kích thước vừa phải và thuận tiện cho dòng sữa đi vào miệng bé. Ví dụ, núm vú khiến sữa chảy nhanh có thể khiến bé nghẹn hoặc đơn giản bé ăn nhiều hơn mức có thể. Nhiều bé sẽ hài lòng với núm vú giúp sữa chảy chậm cho đến khi bé được 3 tháng tuổi hoặc hơn.

Quan trọng mẹ hãy luôn nhớ rằng tình hình này rồi sẽ qua. Nhiều bé con sẽ lớn lên với tình trạng nôn trớ cho đến khi các bạn ấy biết ngồi.

Tôi nghĩ tôi bị ốm. Tôi vẫn có thể cho bé bú chứ?

Vâng, trong hầu hết trường hợp – phần lớn khi mẹ bị ốm không nguy hiểm tới việc cho con bú. Nếu mẹ không khỏe, hãy nhớ rằng bởi vì cơ thể tạo ra các kháng thể chống lại sự đau ốm, những kháng thể đó sẽ đi vào bé qua sữa mẹ.

Tuy nhiên, ở những trường hợp đặc biệt (như HIV), sức khỏe của mẹ lại ảnh hưởng tới khả năng cho con bú.

Hãy liên lạc với nhà tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ trước khi bạn làm gián đoạn việc cho bú chỉ bởi vì bạn ốm hoặc đang phải dùng một loại thuốc nào đó. Trong hầu hết các trường hợp, việc gián đoạn này là không cần thiết.

Em bé nhà tôi cắn ti mẹ khi bú. Tôi có thể ngừng việc này không?

Bé sẽ thường xuyên dùng lợi để chơi với ti của mẹ mà không có ý gây hại. Nhưng một khi bé bắt đầu mọc răng, bé có thể cắn, dù không biết điều đó làm mẹ đau.

Vậy mẹ hãy cho bé một cái gì đó rắn và nguội để nhai trước khi cho bé bú sẽ hiệu quả với lợi của bé – sau đó lợi sẽ không còn bị nhạy cảm và giảm hẳn việc cắn ti mẹ.

Bạn có thể biết khi nào bé chuẩn bị cắn – thường là khi bé đã bú ngon lành rồi và bắt đầu kéo ti mẹ khỏi ngực.

Mẹ nên để ý bé đang chuyển từ việc bú để ăn sang bú để chơi. Khi biết chắc là bé đang chơi, hãy coi chừng trước khi bé có cơ hội cắn ti mẹ.

Nếu bé vẫn cắn, hãy kéo bé gần lại với bạn để bé khó kéo ti mẹ dễ dàng. Hoặc kết thúc việc bú bằng cách đặt ngón tay của bạn vào trong góc miệng của bé. Mẹ phải cố gắng phản ứng thật bình tĩnh và đừng lớn tiếng, không bé con lại sợ.

Mặc dù vậy, trong nhiều trường hợp, cắn cũng là dấu hiệu bé đã xong một đợt bú, đang bị làm sao lãng hoặc cảm thấy chán.

Liên hiệp quốc tế La Leche đưa ra một vài lời khuyên để giảm khả năng cắn như:

  • Nói “Mẹ không phải để cắn đâu nhé. Con có thể cắn cái này nè” và cho bé một đồ chơi hoặc vòng ngậm mọc răng.
  • Hãy thử bắt đầu một hoạt động mới nếu bé con có vẻ xao lãng và kéo ti mẹ nhiều.
  • Hãy khen ngợi bé – với một chiếc ôm, nụ hôn và sự âu yếm – bất cứ khi nào bé bú mà không cắn hoặc tìm cách để cắn mẹ.

Những bé bú sữa mẹ có cần bổ sung thêm vitamin không?

Sữa mẹ chứa nhiều vitamin cũng như sắt dễ hấp thu. Sắt từ sữa mẹ sẽ đủ cho bé tới khi bé bắt đầu ăn các thực phẩm giàu chất sắt (như ngũ cốc hoặc thịt) khoảng 6 tháng đầu đời.

Tất cả các em bé đều cần bổ sung vitamin D. Vitamin D được bổ sung vào sữa công thức và các bé bú sữa mẹ cần có vitamin D như một sự bổ sung hàng ngày.

Chất này có thể được sản xuất bởi cơ thể khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhưng lại không an toàn với các bé chưa đầy 6 tháng tuổi khi cho bé phơi nắng trực tiếp.

Sau 6 tháng, các bé nên sử dụng các biện pháp chống nắng, điều này làm hạn chế khả năng cơ thể tạo ra vitamin D. Vì thế, các bé được nuôi con bằng sữa mẹ cơ bản nên bổ sung các vitamin hàng ngày.

Thêm nữa, Học viện nhi của Mỹ (AAP) nói rằng các em bé dù được nuôi bằng sữa mẹ hay sữa công thức không cần bổ sung floride trong suốt 6 tháng đầu đời.

Từ 6 tháng trở đi, các bé sẽ cần fluoride chỉ khi nguồn nước uống bị thiếu fluoride nghiêm trọng. Ví dụ, nước sạch và nước đóng chai có thể không chứa fluoride và nước máy ở nhiều khu vực cũng không chứa fluoride.

Sẽ nguy hiểm nếu bổ sung fluoride cho bé đã có đủ fluoride rồi, vậy nên rất quan trọng để tìm ra được lượng thích hợp ở bất cứ nguồn nước nào bé dùng.

Do đó, mẹ hãy hỏi bác sỹ về nhu cầu của bé nhé!

[adinserter block=”8″]

Bé nhà tôi chẳng chịu bú. Điều gì đang xảy ra vậy?

Bé “đình công” bú cũng bình thường và chỉ diễn ra trong vài ngày. Tuy nhiên, có thể đáng ngại, đặc biệt ở một bé luôn bú sữa mẹ mà không có bất kỳ vấn đề nào xảy ra trước đó.

Vậy tại sao bé tự nhiên lại ngừng thèm ti mẹ? Sau đây là một vài khả năng:

  • Bé mọc răng nên lợi bị đau.
  • Bạn bị stress và thay đổi mô thức cho bé bú gần đây.
  • Bạn có mùi khác lạ như vừa động vào xà phòng, nước hoa, chất khử mùi và kem dưỡng da.
  • Có vị lạ trong sữa của mẹ, có thể do mẹ thay đổi chế độ ăn.
  • Một điều gì đó khiến việc ti mẹ đau hoặc không thoải mái, như viêm tai, nghẹt mũi, có vết xước ở miệng hoặc viêm đường miệng hay còn gọi là tưa miệng.
  • Bé cắn mẹ và phản ứng của mẹ làm bé sợ.

Việc bé chê ti mẹ có thể khó chịu cực kỳ, nên cả mẹ và bé cần phải vượt qua giai đoạn này. Sau đây là một vài gợi ý của Liên hiệp quốc tế La Leche đối với các bà mẹ cho con bú sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn trong giai đoạn chán chường này:

  • Hãy cố gắng dành thêm nhiều thời gian cho bé, do vậy bạn có thể toàn tâm toàn ý cho bé bú lại như lúc đầu. Hãy nhờ các thành viên trong gia đình, bạn hoặc người giữ trẻ giúp bạn các công việc vặt trong nhà hoặc trông những đứa con khác.
  • Tạo ra các trải nghiệm thú vị cho bé – ôm, vuốt ve, hôn bé và ngừng vuốt ve bé bất cứ khi nào bé cáu.
  • Hãy thử cho bé ti khi bé buồn ngủ, có thể bé sẽ sẵn sàng hợp tác.
  • Cho bé ti khi bạn vỗ về bé hoặc khi đi bộ lúc bạn địu bé.
  • Cho bé bú ở phòng yên tĩnh với ít sự xao lãng.
  • Thử kích thích sữa xuống bằng cách bơm hoặc ấn tay trước khi bắt đầu cho bú để bé có sữa bú ngay.

Cho đến khi lịch bú của bé đã ổn định trở lại, bạn cần bơm hoặc ấn tay để giữ cho nguồn cung sữa đều đặn và chắc rằng bé sẽ có đủ sữa.

Và nếu bé thực sự, thực sự ngừng bú hoặc dứt ti mẹ, bé sẽ cứ như vậy suốt vài tuần hoặc vài tháng.

Trong khi chờ đợi, cả mẹ và bé có thể tận hưởng sự gần gũi và đặc biệt hãy luôn cam kết nguồn sữa luôn đảm bảo, sẵn sàng cho bé bú trở lại.

(Dịch bài viết từ Breastfeeding FAQs: Some common concerns – Website Kidshealth – Nguyễn Thị Thu Hằng dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung Tiếng Việt)

Leave a Comment