Giấm táo có thể thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào?

Trước khi bàn về giấm táo, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử của giấm nói chung đã nhé. Giấm được tìm ra vào khoảng 5000 năm trước công nguyên, khi vô tình nước nho chuyển thành rượu, sau đó trở thành giấm. Ban đầu, giấm được dùng để bảo quản thức ăn, sau này những tác dụng y học của giấm mới dần được khám phá thêm.

Hippocrate (được coi là cha đẻ của Y học phương Tây) từng sử dụng giấm táo để kiểm soát các vết thương. Những năm 1700, giấm táo được ứng dụng trong y học để điều trị các vấn đề từ dị ứng thường xuân, chứng viêm tắc thanh quản đến bệnh đau dạ dày. Giấm táo thậm chí còn được sử dụng để chữa bệnh tiểu đường nữa.

Giấm, trong tiếng Pháp có nghĩa là “rượu vang chua”, có thể được tạo ra từ bất kỳ loại carbohydrate nào có thể lên men, bao gồm nho, chà là, dừa, khoai tây, củ cải đường và tất nhiên, không thể không kể đến táo.

Với cách làm giấm truyền thống, giấm táo được lên men từ từ trong một thời gian dài. Thành phẩm cuối cùng chứa nhiều những thành phần hoạt tính sinh học như axit acetic, axit gallic, catechin, epicatechin, axit caffeic và còn nhiều thành phần khác nữa, mang lại cho giấm táo các thuộc tính chống oxi hóa, kháng khuẩn và nhiều đặc tính có lợi khác.

Theo tạp chí y khoa Medscape:

Phương pháp lên men từ từ thường được sử dụng để làm giấm rượu truyền thống, các vi khuẩn axit acetic phát triển trên bề mặt của chất lỏng và quá trình lên men sẽ mất vài tuần hoặc vài tháng.

Quá trình lên men càng lâu sẽ thúc đẩy sự hình thành lớp màng gồm nấm men và vi khuẩn axit acetic – đó chính là “giấm mẹ”

“Giấm mẹ” lơ lửng trong chai giấm chứa các amino axit, cấu tạo trông giống mạng nhện được tìm thấy trong giấm táo không lọc, chưa chế biến, được coi là loại giấm táo có chất lượng tốt nhất. Hầu hết các nhà sản xuất giấm táo đều tiến hành lọc, tiệt trùng để ngăn cản giấm mẹ hình thành. Nhưng chính loại giấm có màu đùng đục ấy mới là loại giấm tốt, đặc biệt nếu bạn đang chọn loại giấm để bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày của mình.

Giấm táo không chỉ được sử dụng trong nấu nướng, nó còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, là một chất làm sạch, chăm sóc sân vườn hiệu quả và nhiều hơn thế nữa. Thực tế, chỉ với một lọ giấm táo trong gian bếp, bạn đã có thể xử lý nhiều vấn đề trong cuộc sống thật linh hoạt và tiết kiệm.

Giấm táo và sức khỏe

Thực tế thì vẫn chưa có những chỉ dẫn chính thống nào về việc sử dụng giấm táo đường uống. Một vài người thường uống 1-2 thìa café giấm táo cùng 1 cốc nước trước bữa ăn hoặc vào sáng sớm, và họ cho biết cách làm này mang lại những kết quả tích cực. Mức độ rủi ro khi tiêu thụ một lượng nhỏ giấm táo rất thấp. Không chỉ vậy, những nhà nghiên cứu còn cho rằng giấm táo thực sự có những lợi ích thiết thực đối với sức khỏe con người.

Bệnh tiểu đường

Giấm táo được coi là có khả năng ổn định đường huyết và có những tác động tích cực đến lượng đường trong máu. Người ta cho rằng chính thành phần axit acetic dồi dào trong giấm táo đã giúp hạ mức đường huyết bằng cách ngăn chặn sự tiêu thụ hoàn toàn các carbohydrate phức tạp trên cơ sở tăng tốc độ tiêu hóa để làm rỗng dạ dày hoặc tăng cường sự hấp thụ glucose của các tế bào cơ thể.

Một giả thuyết cho rằng giấm táo có thể làm tê liệt một số enzyme tiêu hóa có nhiệm vụ phá vỡ carbohydrate để chuyển hóa thành đường, từ đó làm chậm việc chuyển đổi các carbohydrate phức tạp có trong bữa ăn thành đường trong máu.

Điều này sẽ giúp cơ thể có thêm thời gian đưa đường ra khỏi máu, ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột ngột.

Một vài nghiên cứu khác cũng ủng hộ việc sử dụng giấm táo trong việc điều trị tiểu đường.

Một nghiên cứu cho thấy điều trị bằng giấm táo cải thiện độ nhạy của insulin ở 19% các trường hợp mắc tiểu đường tuýp 2 và 34% các trường hợp tiền tiểu đường.

Kết quả của một nghiên cứu khác nữa đã chỉ ra với những người mắc tiểu đường tuýp 2, việc sử dụng 2 thìa canh giấm táo trước khi đi ngủ giúp làm giảm đến 6% lượng đường trong máu vào sáng hôm sau.

Sức khỏe tim mạch

Giấm táo giúp hỗ trợ tim mạch bằng nhiều cách khác nhau. Theo Journal of Food Science (Tạm dịch: Tập san khoa học thực phẩm):

Các polyphenols như chlorogenic acid hiện diện với mật độ cao trong giấm táo có thể ức chế quá trình oxi hóa của LDL (lipoprotein tạo xơ vữa động mạch) và cải thiện sức khỏe bằng cách ngăn ngừa các bệnh về tim mạch

Một nghiên cứu chỉ ra rằng trong điều kiện phòng thí nghiệm, giấm táo có thể làm giảm mức cholesterol ở chuột.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác trên chuột cũng cho thấy axit acetic có trong giấm táo có thể giúp giảm huyết áp trong cơ thể chúng. Giấm táo cũng được chứng minh làm giảm nồng độ triglyceride và mức VLDL (cholesterol “xấu”) trên động vật.

Giúp giảm cân

Giấm táo có khả năng giúp bạn giảm cân dựa vào tác động làm tăng cảm giác no và giảm tổng lượng thức ăn tiêu thụ.

Ví dụ, một số tình nguyện viên thử sử dụng một lượng nhỏ giấm táo cùng với một bữa ăn chứa nhiều calo (gồm bánh mì và nước trái cây), kết quả cho thấy thời gian còn lại của ngày họ tiêu thụ ít thức ăn hơn bình thường.

Lượng calo giảm được vào khoảng 200-275 calo/ ngày. Như vậy trong 1 tháng, bạn có thể giảm được 0.68kg.

Thêm vào đó, một nghiên cứu đơn lẻ khác cũng cho hay việc tiêu thụ giấm táo cùng với bánh mì không chỉ làm giảm glucose và phản ứng insulin, mà còn làm tăng cảm giác no. Và tác dụng làm tăng cảm giác no này có liên quan trực tiếp tới mức độ axit acetic có trong giấm táo.

Giảm tắc nghẽn xoang

Giấm táo có thể phá vỡ và giảm chất nhầy trong cơ thể, giúp làm sạch các hốc xoang. Nó cũng có các thuộc tính kháng vi khuẩn, nhờ đó hữu ích cho các bệnh nhiễm trùng.

Giảm đau họng

Thuộc tính kháng khuẩn của giấm táo có thể hữu ích trong việc giảm cơn đau họng. Bạn có thể súc miệng bằng hỗn hợp gồm 1/3 chén giấm táo và một cốc nước ấm để làm dịu cổ họng của mình.

Hỗ trợ hệ tiêu hóa và chữa bệnh trào ngược axit dạ dày

Nguyên nhân gây trào ngược axit dạ dày là do dạ dày có chứa quá ít axit. Bạn có thể dễ dàng cung cấp thêm những axit cần thiết cho dạ dày bằng cách sử dụng 1 thìa canh giấm táo nguyên chất cùng với 1 cốc nước to mỗi ngày.

Thành phần pectin trong giấm táo cũng có khả năng làm dịu các cơn co thắt ruột.

Làm dịu da bị kích ứng

Giấm táo có tác dụng rất tốt với nhiều vấn đề về da, từ vết côn trùng cắn đến dị ứng thường xuân hay làn da cháy nắng. Bạn có thể thoa trực tiếp giấm táo đã được pha loãng với nước lên vùng da bị kích ứng hoặc cho thêm khoảng 1 cốc giấm táo vào cùng nước tắm.

[adinserter block=”19″]

Chữa mụn cóc

Thoa giấm táo lên mục cóc thường xuyên có thể giúp mụn cóc bị loại bỏ hoàn toàn. Giấm táo có khả năng này là nhờ lượng axit acetic cao có trong nó. Bạn có thể thử nhúng một miếng bông cotton vào giấm táo, thoa lên mụn cóc, dán mụn cóc lại và để qua đêm.

Tăng cường năng lượng cho cơ thể

Giấm táo chứa kali và các enzyme giúp loại bỏ mệt mỏi. Thêm vào đó, các amino axit có trong giấm táo cũng có khả năng ngăn chặn sự tích tụ axit lactic, giúp tăng cường năng lượng cho cơ thể.

Giấm táo với cuộc sống

Nói chung, bạn có thể dùng giấm trắng được pha chế để sử dụng cho các mục đích khác, còn sử dụng loại giấm được lên men từ các loại quả – như giấm táo chẳng hạn – để uống. Tuy nhiên, nếu muốn, bạn vẫn có thể sử dụng giấm táo để giải quyết các vấn đề nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày.

Chất làm sạch tự nhiên

Giấm là một trong những thành phần làm sạch từ tự nhiên tốt nhất mà chúng ta có. Điều này phần lớn là nhờ các đặc tính kháng khuẩn của giấm.

Khi được thêm vào thức ăn, những axit hữu cơ trong giấm táo (đặc biệt là axit acetic) sẽ đi vào màng tế bào để tiêu diệt các vi khuẩn xấu. Thực phẩm được lên men với giấm sẽ trở thành một kho chứa các axit hữu cơ tự nhiên với các thuộc tính kháng khuẩn mạnh mẽ như axit acetic, axit lactic, axit ascorbic, axit citric, axit malic, axit propionic, axit succinic và axit tartaric. Một nghiên cứu đã chỉ ra axit acetic thậm chí có thể tiêu diệt khuẩn E. coli O157:H7.

Trong khi đó, một vài nghiên cứu khác cũng chứng minh những thành phần như axit acetic, nước chanh hoặc hỗn hợp gồm nước chanh và giấm cũng cực kì hiệu quả trong việc loại bỏ vi khuẩn salmonella (một loại vi khuẩn đường ruột)

Góp phần tiêu diệt cỏ dại

Giấm rất hiệu quả trong việc kiểm soát cỏ dại trong vườn. Bác sĩ Howard Garrett đã chia sẻ công thức để tạo ra chất diệt cỏ dại làm từ giấm của ông như sau (loại thuốc này sẽ tiêu diệt bất kỳ loài thực vật nào bị phun vào, vì vậy lưu ý chỉ sử dụng trên loại cỏ cần loại bỏ):

Công thức:

  • 3.8 lít giấm táo 10%
  • Thêm 29g dầu cam hoặc tinh dầu cam, quýt
  • Thêm 1 thìa canh mật rỉ đường (tùy chọn – một số người cho rằng thành phần này không mang lại tác dụng)
  • 1 thìa cà phê xà phòng lỏng hoặc một chất hoạt động bề mặt khác
  • Không thêm nước

Giúp trung hòa mùi khó chịu

Để trong nhà một bát giấm táo sẽ giúp trung hòa mùi khó chịu.

Dùng để rửa rau và trái cây

Giấm táo là một trong những chất làm sạch hiệu quả nhất trong việc loại bỏ thuốc trừ sâu và một vài loại vi khuẩn nhất định có trên các sản phẩm tươi sống.

Bạn có thể thử công thức 10% giấm táo trộn với 90% nước, sau đó ngâm các sản phẩm rau và trái cây vào dung dịch này rồi rửa thật sạch (tránh áp dụng cách này với các loại hoa quả có vỏ mỏng như berry bởi hoa quả có thể bị hư hại trong quá trình làm sạch hoặc giấm thâm nhập qua lớp vỏ mỏng manh của những loại hoa quả này)

Giấm táo và sắc đẹp

Bạn có thể sẽ muốn giữ một lọ giấm táo ngay trên kệ để đồ ở phòng tắm đấy.

Thay thế cho dầu xả thông thường

Giấm táo có thể giúp loại bỏ những chất bẩn tích tụ và cân bằng độ pH da đầu. Bạn có thể thử xả tóc bằng giấm táo hằng tuần thay cho dầu xả thông thường với công thức: 1/3 cốc giấm táo với 4 cốc nước.

Nếu bị gàu làm phiền, bạn có thể làm một bình xịt chứa giấm táo và nước với tỉ lệ 1:1, xịt đều lên tóc, dùng khăn tắm to quấn tóc lại, để trong vòng 1 giờ. Sau đó bạn gội sạch lại với nước, áp dụng 2 lần/tuần để thấy kết quả.

Toner cho da

Giấm táo được pha loãng là một loại toner đơn giản, giúp ngăn chặn tình trạng mụn bùng phát. Giấm táo cũng hỗ trợ làm mờ vết thâm nhanh hơn.

Làm chất khử mùi

Giấm táo tiêu diệt các vi khuẩn gây mùi khó chịu. Bạn có thể thoa một ít lên vùng da dưới cánh tay, nó sẽ khử bớt mùi gây khó chịu ở vùng da này.

Tốt cho sức khỏe răng miệng

Súc miệng với giấm táo pha loãng có thể giúp loại bỏ hoàn toàn bệnh hôi miệng, đồng thời làm răng trắng dần lên. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng giấm táo có tính axit rất cao, điều này có nghĩa giấm táo có thể khiến răng bạn bị ê buốt. Vì vậy, bạn nhất thiết phải pha loãng giấm với nước trước khi dùng. Giấm táo nguyên chất, chưa được pha có thể làm hỏng men răng, các mô của miệng và gây hại cho cổ họng (Thực tế, đã có một báo cáo về trường hợp một phụ nữ bị tổn thương thực quản do một viên thực phẩm chức năng giấm táo mắc kẹt trong cổ họng).

Khử mùi hôi chân

Lau bàn chân với giấm táo có thể tiêu diệt các vi khuẩn gây mùi ở chân.

Trong nấu nướng

Trong nấu nướng, giấm táo có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau.

Bạn có thể thêm giấm vào các loại sốt, nước sốt, súp hay các loại sinh tố. Bạn cũng có thể gia giảm chút giấm vào bánh nướng và các món salad (thử trộn giấm với dầu oliu, tỏi, mù tạt chẳng hạn). Giấm cũng rất hợp với cá, nó cũng là một loại sốt làm mềm thịt rất tuyệt.

Với các món rau đã nấu chín, bạn có thể thêm chút giấm lên trên hoặc dùng giấm với món salad dưa chuột. Thưởng thức các loại rau muối với giấm cũng là một trải nghiệm không tệ chút nào.

Giấm được coi là một loại gia vị quan trọng nếu muốn có được một nồi nước hầm xương ngon. Giấm giúp tất cả những khoáng chất trong xương hòa tan vào nước dùng.

Nếu đang sử dụng giấm với mục đích chữa bệnh nhưng không thích mùi đặc trưng của giấm cho lắm, bạn có thể dùng những thực phẩm lên men khác. Cũng như việc sử dụng giấm táo, dùng những thực phẩm lên men này cũng giúp cung cấp những vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Tuy nhiên, giấm táo vẫn đơn giản và an toàn để sử dụng hơn. Vì vậy nếu vẫn muốn hưởng những lợi ích từ giấm táo, bạn hoàn toàn có thể bổ sung giấm táo vào thực đơn hằng ngày của mình.

Chọn giấm táo một cách khôn ngoan: Tránh loại giấm pha chế

Giấm trắng được pha chế thực sự là một chất làm sạch tuyệt vời. Nhưng nếu muốn sử dụng giấm táo cho mục đích sức khỏe, các loại giấm được pha chế, trong suốt mà bạn thấy trên kệ cửa hàng tạp hóa hoàn toàn không phù hợp.

Thay vào đó, bạn nên chọn các loại giấm hữu cơ, không lọc, chưa qua chế biến, có màu đục. Như đã đề cập ở trên, các mảng màu đùng đục, trông giống mạng nhện lơ lửng trong chai giấm chính là “giấm mẹ” – đây chính là dấu hiệu của một chai giấm có chất lượng tuyệt hảo. (Giấm táo mèo Út Em là giấm hữu cơ không qua lọc tẩy, bạn tham khảo tại bài viết này)

Cuối cùng, nếu bạn đang có ý định sử dụng giấm táo đường uống, bạn cần biết, việc sử dụng giấm táo với liều lượng lớn trong một thời gian dài có thể gây giảm nồng độ kali và ảnh hưởng xấu đến mật độ xương. Vì vậy lời khuyên là bạn nên sử dụng giấm táo một cách điều độ.

Thêm vào đó, giấm táo có thể tương tác với các loại thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng, các loại thuốc điều trị tiểu đường và thuốc điều trị các bệnh tim mạch. Nếu bạn đang uống thuốc theo đơn của bác sĩ và muốn sử dụng giấm táo, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo giấm táo không gây giảm/ mất tác dụng của bất kỳ loại thuốc nào mà bạn đang sử dụng.

Có thể bạn chưa biết

Bạn cũng có thể cân nhắc việc sử dụng các loại rau quả lên men. Cũng giống như giấm, rau quả lên men cũng là một loại axit nhẹ, nhưng thay vì axit acetic có trong giấm, rau quả lên men chứa axit lactic.

Ngoài những tác dụng như đề cập ở trên, thực phẩm lên men đúng cách sẽ mang lại cho bạn hai lợi ích lớn: một là: bổ sung và cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, hai là: nếu sử dụng rau quả giàu vitamin K2, sau khi lên men, chúng có thể cung cấp cho bạn một lượng vitamin K2 cần thiết. Vitamin K2 cũng cần thiết như vitamin D và có tác động hiệp đồng với vitamin D, giúp mang lại những lợi ích thiết thực với sức khỏe con người.

Dịch từ bài viết How Apple Cider Vinegar Can Change Your Life – Tác giả Dr. Mercola – Website Mercola – Dương Thị Giang dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung Tiếng Việt

Leave a Comment